Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

HỌC TRÒ TRƯỜNG THUỐC

 My photo


Hắn tên là Tản,chữ đệm là Bá, Họ là Huỳnh. Họ, tên đầy đủ để điền vào các loại giấy tờ là Huỳnh Bá Tản.
Riêng cái họ "Huỳnh" này, theo kinh nghiệm của tôi - một người đã từng bôn ba khắp hai miền Nam Bắc, thì có thể đoan chắc rằng, hắn là dân Nam Bộ chính cống, quê hắn ở Sài Gòn, hoặc Lục Tỉnh gì đó. Hắn không nói và tôi cũng chẳng dại gì mà hỏi, bởi lẽ nếu hỏi, lỡ hắn tưởng tôi muốn vào thăm quê hắn, hắn lại có lời mời thì khốn! Bình thường được người ta mời thì sướng quá đi chứ! Nhưng xin quí vị hiểu cho: riêng tiền mua vé máy bay khứ hồi cũng đã cứa đứt gần hết tháng lương hưu...còm của tôi, lại còn bao nhiêu thứ kèm theo nữa chứ. Ai cũng thế thôi, Nhà nước trả lương hưu cho anh để anh sống nốt quãng đời còn lại ở tại chỗ. Khi anh về Thế giới bên kia ( bây giờ người ta gọi là Thế Giới Tâm Linh ), Nhà nước trả nốt tiền Tuất cho gia đình anh thế là hết nợ! chứ có đâu mà để cho anh đi đây, đi đó!

Hắn bao nhiêu tuổi tôi cũng chẳng biết, vì hắn không tông tốc khai báo trên Avatar như tôi! Nhưng tôi cũng đoán được tuổi của hắn thoả mãn bất đẳng thức toán học sau đây:

                                40 < Tuổi < 50
Sở dĩ tôi lập được biểu thức trên là căn cứ vào cách hắn xưng hô với tôi, một điều "thưa bác" hai điều "học trò". Khi hắn xưng hai chữ "học trò", chẳng dấu gì quí vị, tôi sướng rên lên, sướng lắm! sướng rất lâu vì được người như hắn tôn làm Thầy. Sướng đến nỗi tôi cứ đọc đi đọc lại comment của hắn để nhâm nhi cái vị...ngon của con chữ.
Nhưng đến một hôm tôi bỗng ngớ ra, lẩm bẩm một mình:
- Ơ! ơ! Mình một nghề, hắn một nghề, làm sao dạy được hắn mà đòi nhận làm thầy! Vả lại mình có dạy hắn ngày nào đâu?
Cứ thế ngồi lặng hồi lâu, trong đầu một tia chớp xẹt qua, tôi vỗ đùi đánh đét một cái rồi kêu to:
- Trúng rồi!          Cái điều tôi vừa nghĩ ra, đắc ý, cho là rất trúng ấy chính là hai chữ "học trò".
Học trò hắn vẫn dùng ở đây đúng là Công Tôn Sách thường xuyên xưng hô với Bao Công. Ai cũng biết  Công Tôn Sách là cánh tay phải, là trợ thủ đắc lực cho Bao Đại Nhân. Có thể nói Công tôn Sách là "tham mưu trưởng" là một phần bộ não của Bao Đại Nhân, đã giúp Bao Đại Nhân phá nhiều vụ kỳ án và xử lý rất đẹp nhiều tình huống gay cấn. Công Tôn Sách là con người học rộng, tài cao, rất thông minh, sáng suốt.
Trúng phóc hắn ví mình như Công Tôn Sách! cũng như Khổng Minh ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị!
Vậy là tôi hoàn toàn yên tâm, từ nay nghe hắn xưng "học trò" tôi không thấy ngượng nữa (vì biết chắc hắn là ai, và xưng hô không phải với mình); Nhưng thú thực, cái sướng vẫn còn...râm ran.
Tôi lờ mờ biết được ( nhưng lại cho là chắc chắn ) rằng hắn sinh trưởng trong một gia đình trí thức khá giả. Ba mẹ hắn đều là những người Tây học, rất tân tiến, nhưng lại dậy dỗ hắn bằng cái lễ giáo Phong Kiến cổ lỗ đã hàng nghìn năm. Bởi vậy hắn hoàn toàn thiếu tự nhiên, đi đứng thì khoan thai, đĩnh đạc, nói năng thì lễ độ, một điều thưa, hai điều gửi. Làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo, không dám làm điều ác còn để lại cái đức cho...cháu nội, cháu ngoại của ba, mẹ hắn. Tôi có cảm giác hắn bị gò vào khuôn phép như người ta gói bánh chưng hoặc gói giò ngày Tết. Người hắn được ghép lại bởi các khối vuông vắn, tròn trịa. Lắm lúc tôi thấy thương hắn, vì hắn thật không may, giá như cứ sinh trong một gia đình bình thường, thí dụ như bố mẹ bỏ nhau, không nhìn gì đến con cái, có phải hắn tự do đi bụi, muốn giao du với ai, muốn làm gì thì làm, chẳng phải học hành gì hết, đêm đêm ra cầu chữ Y nằm thoải mái ngắm sao trời ( bây giờ người ta gọi là khách sạn nhiều sao ) có phải sướng bao nhiêu không? hắn thật khổ quá!

Hắn càng khốn khổ nữa vì ba, mẹ hắn bắt hắn nhồi nhét bao nhiêu thứ vào đầu, ngoài chuyên môn còn Đạo đức học, Dân tộc học, Xã hội học, rồi Văn học, Triết học, Âm nhạc...
Ra trường, bẩy năm liền, hắn đi đâu cũng có xe còi hụ, các xe khác phải dạt sang bên tránh đường cho hắn đi. Hẳn có vị sẽ bảo rằng ranh con mới nứt mắt mà sao đã như Nguyên Thủ Quốc Gia được? Xin các vị chớ vội lầm! hắn học ngành Y, tốt nghiệp Bác Sĩ, người ta điều động hắn vào Trung tâm cấp cứu 115. Thời gian này Tử Thần căm hắn lắm, bởi đã giật khỏi tay ngài ấy bao nhiêu nhân mạng. Càng căm nữa vì không làm gì được hắn!

Về Viện, hắn trở thành Bác sĩ giỏi vào hàng nhất, nhì. Nhưng cũng từ đây mới hé lộ ra nhiều chuyện lạ, khiến tôi nghi ngờ. Mối nghi ngờ ấy càng ngày càng tăng, mình tôi không sao lý giải, tôi cứ trình bầy ra đây xin quí vị trợ giúp xem sao:
Thứ nhất, tôi thấy ai cũng gọi hắn là "Mẹ hiền"

Sao lại thế nhỉ? hắn là đàn ông chính cống kia mà? chắc chắn hắn không phải là "Gay" vì hắn đã có vợ có con. Hay là hắn...lưỡng tính? Tôi vẫn thường xuyên xem đủ các loại báo, chưa thấy Thế giới có trường hợp này bao giờ ( xin quí vị đừng nhầm với vài ca "thai trong thai"). Hay hắn là người hành tinh khác đến? chính đây là "mối nghi ngờ càng ngày càng tăng" của tôi đã nói ở trên.
Xin quí vị theo dõi tiếp
Thứ hai, mồm hắn luôn lẩm bẩm hai từ "Y đức", hắn coi bệnh nhân cứ như người nhà, chăm sóc, chữa trị rất tận tình. Điều này không khó hiểu lắm, vì tôi phải nói ra một thực tế hiện nay là, sau khi phong bì đã nằm trong túi Bác sĩ, ngay lập tức bệnh nhân thành người thân! Nhưng đằng này, hắn kiên quyết lắm, không nhận phong bì bao giờ. Thậm chí có những bệnh nhân nghèo quá hắn còn cho tiền thuốc men, tầu xe đi về...

Vậy hắn sống như thế nào đây? vợ con, gia đình, nhà cửa, xe cộ...bao nhiêu thứ phải tiêu?
Tôi tưởng tượng ra là nhà hắn giầu lắm, bốn chân giường chôn bốn cục vàng to bằng cái can 20 lít. Ngoài vườn (không biết nhà hắn có vườn không nhỉ?) chôn đầy các hũ vàng...Sau rồi thấy mình viển vông quá tôi lại quay sang...người ngoài hành tinh.
Hắn nói năng, xưng hô với bệnh nhân rất nhẹ nhàng, dịu dàng, khác hẳn vói nhiều Bác sĩ khác quen dùng...độc từ hoặc rất ngắn gọn và to như tiếng quát cho bệnh nhân dễ hiểu và...nghe rõ.
Tôi được vài người bạn kể lại rằng có lần ngồi với hắn trong quán, cứ thấy Di động cuả hắn réo liên tục, tất nhiên hắn phải trả lời liên tục. Có một cuộc  chắc là bệnh nhân nhí, thấy hắn cứ một điều: Con thấy trong người thế nào? Con phải làm thế này, thế kia rồi con uống thuốc này, thuốc kia...
Họ khen hắn nức nở, bảo hắn đúng là mẹ hiền. Riêng tôi lại nghĩ khác, con là con của người ta, không phải con hắn đẻ ra mà cứ nhận vơ, nhận váo, rõ dơ!
Thứ ba, Hắn đi làm hay đi trực xong là về thẳng nhà không la cà nhậu nhẹt
( trừ trường hợp đặc biệt ). Về đến nhà cơm nước xong, kèm cặp con cái học hành rồi chúi mũi vào trang Blog. Hắn không hề có phòng khám tư, hoặc cộng tác với phòng khám tư nào. Nếu có dịp mời các vị trong ấy ra Hà Nội mà xem, ngay đối diện với Bệnh Viện Bạch Mai ( rất gần nhà tôi ) là một dãy các phòng khám, chiều dài cũng gần bằng chiều dài Bệnh Viện. Các Bác sĩ danh tiếng của Viện hầu hết có tên ở đây. Tôi không dám trách gì họ bởi lẽ có nhiều lý do họ phải "làm thêm" ở đây. Có trách chăng khi họ "chân  ngoài dài hơn chân trong."
Tôi cũng xin tiết lộ một chi tiết để quí vị biết, đó là nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nọ, tôi vào trang hắn chúc mừng và gửi tặng hắn bài thơ của tôi nhan đề " Lời thề Hypocrat ". Nội dung bài thơ tôi nói về một bác sĩ lúc mới ra trường mang theo bao ước mơ hoài bão, mang hết tâm huyết vào việc chữa trị bệnh nhân, cứu được bao nhiêu người, làm được bao nhiêu việc lớn. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy anh. Khi anh đã có vợ con, bao nhiêu vấn đề đặt ra như nhà cửa, học hành của con cái, xe cộ, nhu cầu cuộc sống càng tăng khiến anh phải nhận phong bì, gạt Y đức sang bên, tiến tới sách nhiễu, bỏ mặc bệnh nhân nghèo...Mục đích tôi muốn nêu lên một thực trạng đau lòng hiện nay, và cũng là để ca ngợi hắn, vì hắn khác hẳn nhiều đồng nghiệp.  Không ngờ lại phản tác dụng! hắn có vẻ giận lắm, bảo thẳng tôi là đừng có nhìn nghề nghiệp của hắn bằng con mắt như vậy, không phải Bác sĩ nào cũng thế! Tôi ra sức thanh minh là tôi không vơ đũa cả nắm, chỉ nói điều có thực. Vậy mà hắn gần như từ tôi, mãi tôi mới làm lành được...

Hay là hắn bị thần kinh?
Nhìn trên Avatar của hắn, phía dưới ảnh, tôi thấy có dòng chữ:
Hoctrotruongthuoc

Stresss.s..s...s.....
Lúc đầu tôi cũng nghi, nhưng nhìn ảnh hắn thì trông chẳng có vẻ gì là thần kinh cả, hơn nữa, các bài viết của hắn sắc sảo lắm ( nhiều nhà văn có thẻ đã khen ). Hắn cũng mới nhập góc Đường Luật, một vài bài đầu còn "lởm khởm" nhưng sau đó các nhà Đường Thi lão luyện như Lê Khả Sỹ, Hồ Văn Thiện, Đông Hoà-Nguyễn Chí Hiệp, Hoa Huyền...đều khen nức nở. Như vậy chắc chắn không phải thần kinh!

Tôi lại quay về giả thuyết người ngoài hành tinh...
Ở Hà Nội tôi đã nghe có tin đồn là có một số vị Bác sĩ cũng giống như hắn, đề cao Y đức, cái tâm rất sáng, hết lòng chữa trị, thương yêu bệnh nhân như người thân trong gia đình, trợ cấp, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo...Tôi chẳng phải là phóng viên báo nào ( chỉ là cộng tác viên ) nhưng chắc bị nhiễm hội chứng phóng viên, nổi máu muốn làm một phóng sự điều tra, đã cất công đến những chỗ đó. Nhưng có lẽ Hà Nội bây giờ quá rộng, ôm trọn cả tỉnh Hà Tây, nên lúc tôi tới nơi thì, hoặc các vị ấy vừa đi thăm bệnh nhân, hoặc đang đi công tác, hoặc đang ở nước ngoài...May mắn có vị đang ngồi trong phòng khám, nhưng bên ngoài bu kín đến mấy chục người chờ đợi. Thấy tôi có vẻ lấm lét đi qua, đi lại, hàng chục cặp mắt nhìn tôi nẩy lửa, chắc họ sợ tôi chen ngang. Lỡ tôi có đẩy cửa bước vào, ngần ấy người, dù có ốm yếu, nhẩy xổ vào một mình tôi thì thua là cái chắc! Thôi chả dại, tôi...lỉnh luôn.

Vậy là tôi chưa hề gặp vị nào giống hắn! giả thuyết người ngoài hành tinh càng đứng vững!
Tôi cũng đã xem Ti Vi và nhiều loại báo, trước đây người ta mô tả những người ngoài hành tinh nhỏ thó, gầy guộc, da xanh lét, mặt hình tam giác, hai mắt lồi ra như hai đèn pha. Nhưng vài năm gần đây, có người ở Trái đất đã gặp, mô tả lại, thì họ là những người giống chúng ta nhưng cao to, rất đẹp. Điều này tôi thấy có lý, vì họ ở hành tinh khác phát triển hơn chúng ta, nên hình dáng phải hoàn thiện hơn, và tất nhiên là thông minh hơn nhiều. Ngắm kỹ ảnh hắn tôi thấy hội đủ các tiêu chuẩn: đẹp trai, cao trên 1,7m nặng trên 70kg . Thông minh thì các vị biết rồi.

Có một chi tiết quan trọng suýt nữa tôi quên: Máu của người ngoài hành tinh màu xanh chứ không phải màu đỏ như của chúng ta.. Tôi ở cách hắn đến gần hai nghìn cây số không làm sao biết máu hắn màu gì. Tôi tha thiết nhờ quí vị, bằng cách nào đó ( quí vị tự nghĩ, vì tôi tắc tị, nghĩ không ra ) xem máu của hắn có phải màu xanh không? Nếu có tin tức gì nhớ gửi ngay về địa chỉ:
Lê Trường Hưởng
15 Nguyễn An Ninh-Hà NộiMobile: 0912038634
Nhớ là máu màu xanh!


L.T.H.
- Lại có muỗi hả ông? Con cháu nội tôi ngồi học bài
  gần đấy quay sang hỏi.
- À...à...không...không...Tôi ấp úng vì hơi vô ý ảnh hưởng đến sự tập trung của cháu.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

VẪY TAY...



Trên một chuyến xe trở về

Tôi ngủ gà vịt vì mệt và vì thấy tiếc thời gian đang trôi qua lãng phí. Ngủ được chút nào hay chút ấy, tối có khi thức khuya chút mần gì đó bù lại. Nghe rất thuyết phục. Tiếng rên đau đớn vang lên rất gần, tôi đang mơ. Nhưng ai bị gì mà rên nhỉ? Ồ! Mơ thì tất nhiên là không có nguyên nhân rồi. Tôi tự nhủ thế và ngạc nhiên vì lần này mơ có nguyên nhân, hay chí ít là có thể khám phá bởi tiếng rên đau đớn càng rõ, hìng như ngay sau lưng tôi. Tôi choàng  mở mắt ngoái lại, một người đàn ông trẻ mặt vàng bủng đang ôm bụng nhăn nhó. Ồ...?
Cậu đau lắm sao?
Vâng.- Người đó gật đầu cố nén tiếng thở hổn hển trả lời- Đói bụng nữa.
Tôi hốt hoảng. Cậu đói à? -Vâng. Khát nước nữa.
Ôi sao lại thế. Tôi nhìn quanh, mọi ánh mắt đều xa lạ, nghĩa là không có ai đi cùng cậu ta. Hiểu ý, cậu ta nói tiếp. Em bệnh nhiều năm rồi, mỗi tháng đi bệnh viện một lần. Những lần trước còn ngưởi đi theo, lần này không đủ tiền. Em chẳng có gì để mua nước. Cậu ta như ngất đi sau khi nói.
May quá, tôi có một ổ bánh mì Kinh Đô mang theo mà chưa ăn, cả 1 chai nước khoáng Vĩnh Hảo nữa. Cậu ăn thứ này được chứ? - Người đó gật đầu đón nhận.
Cậu ăn đi. Tôi giục. Người đó ăn và ngừng rên nhưng khoảng 15  phút sau hay hơn thế chút ít, cậu ta lại rên. Lúc đầu rên khe khẽ, sau tiếng rên to hơn và nghe đau đớn vô cùng.
Cậu cố ngủ đi. Tôi nói, cậu ta gật đầu ngoan ngoản nhắm mắt nhưng chỉ im lặng được khoảng 1, 2 phút rồi vừa nhắm mắt vừa rên. Tôi đợi đến khi cậu mở mắt ra thì đưa cho cậu ta số tiền đang có, chỉ chừa 100 ngàn. Cậu ta nói cảm ơn, mắt sáng lên và bảo, chiều nay sẽ mua một bữa ăn thật ngon vì lâu rồi chưa được ăn bữa nào ngon.
Cậu ta xuống xe trước tôi. Nhưng khi cậu ấy đứng lên, tôi đưa nốt 100 ngàn còn lại. Cậu ta nói, cảm ơn cô nhiều lắm. Tôi thấy da gót chân người đó bong ra từng lớp như vảy. Móng tay vàng màu chết choc. Người bủng rệu, bụng to đùng.
Trưa nay, tôi nghe tin cậu trai kia đã chết chiều qua. Chợt nghĩ, một cuộc đời cay đắng làm sao! Cậu ta khốn khổ vì đau bệnh giày vò và đói khát cho đến phút cuối cùng.
Tôi vẫy tay giả biệt một kiếp người trong hư không.
NLC

"BƯNG CẢ DÒNG SÔNG MÀ UỐNG"

Trong đêm thơ Nguyên tiêu tôi được Lâm Cúc tặng tập thơ Đãi Trăng (Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam 2005 – 2006). là người viết ca khúc, ngoài phần nhạc tôi rất chăm chút ca từ nên thường đọc thơ để nghe nhạc điệu trong thơ và để ghi chép những ý thơ hay. Tôi đã được đọc thơ của Lâm Cúc và Mộng Dần cách đây hơn 20 năm khi công tác ở Hội văn nghệ Thuận Hải và thấy: Thơ của hai cô gái này có hồn, có hình, có tình, có ý… không rối rắm khó hiểu hoặc nối vần dàn trải như diễn ca. Lâm Cúc làm thơ đã lâu nhưng đến nay mới ra được tập thơ, phải chăng do sự cẩn trọng, khiêm tốn của một cô gái.

Tập thơ chỉ 72 trang 18x15 nhưng chứa đựng đến 59 bài thơ. Lâm Cúc làm thơ không theo thể cổ điển, mà theo thể thơ mới, nhịp điệu tự do phóng khoáng dựa theo cấu trúc 6/8 và 5 chữ của ca dao. Thơ trong Đãi Trăng ngắn, chắt lọc, dành cho suy ngẫm, đề cập đa dạng đến nhiều chủ đề, ghi nhanh những cảm xúc bất chợt từ biển trời, sông nước, gió trăng, mưa bão, cây cỏ, ngày đêm, từ những cây quân tử như tùng bách đến những sinh linh bé nhỏ như con chuồn chuồn, cả đi vào cõi tâm linh lên chùa, lạy Phật…

Qua thơ, tôi hình dung cuộc sống của nhà thơ không bình lặng, tâm tư bị xáo trộn, dằn vặt, tiềm ẩn trong dáng dấp bình dị bên ngoài của một cô gái nông thôn.

Vì tập thơ mang tên Đãi Trăng nên tôi lần mò đi tìm trăng trong thơ và tìm trong 7 bài có 14 con trăng, riêng trong bài Quân Tử đã có 5 con, còn trong bài Đãi Trăng chỉ có 2 con.

Lâm Cúc nói đến trăng nên tôi lại nhớ đến trăng trong thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940). Nhà thơ tài hoa yểu mạng này đã Chơi trên trăng, đã Rượt đuổi theo trăng, đã Ngủ với trăng, Nuốt trăng, Uống trăng cho bớt cái sầu, cái khát khi bóng trăng lả lướt gợi tình… và vì quá say trăng mà rao bán trăng: “ai mua trăng tôi bán trăng cho”, nhưng bán sao đành vì Trăng vàng trăng ngọc, cả đến việc liều mạng nhảy xuống giếng để vớt Trăng tự tử!

Lúc mơ trăng, Hàn Mặc Tử còn tưởng mình như chim phượng chim hoàng, bay lên chín tầng trời mổ cả trăng, sao để trăng, sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao thơ mộng. Với Lâm Cúc thì khác hẳn, Trăng là bạn, là hồn của thi ca, là khách quý của nhà thơ nên trăng được mời xuống mà uống “Rượu nước sông”, bưng cả dòng sông mà uống cho đã khát!

Trong thơ Lâm Cúc, không có trăng buồn mà trăng múa hát giữa chợ (Rong chơi), trăng đậu trên bãi lúa bội thu đầu mùa (Mơ), trăng hẹn thề (Quân Tử), gọi trăng xuống cùng nâng cốc để Tựa vào nhau và có lẽ đẹp nhất là bài thơ cuối cùng: Đêm, nói lên niềm khát khao hạnh phúc, cháy bỏng tình yêu, cũng như niềm vui ánh lên trên gương mặt giữa vùng bóng tối khi được ôm anh, úp mặt vào ngực anh mặc cho đêm dày và chung quanh lá đổ…
Nhạc Sĩ Huy Sô

HOÀI VÂN VÀ ĐÃI TRĂNG

Đọc thơ Nguyễn Lâm Cúc, ta thường bị ám ảnh có khi chỉ bởi một câu thơ sắc sảo, khúc triết, đau đáu, hay nói cách khác như một bạn thơ “câu thơ của Cúc như đóng đinh vào tim độc giả”. Thơ chị thường rất ngắn gọn, đau buồn, triết lý như chính cuộc đời của chị….

Lần đầu tôi đọc thơ chị với bài “Không hẹn hò đời hóa hoang vu”, và choáng ngợp với khẩu khí rất nam nhi hảo hán của chị:

Hôm nay buồn lại bày tiệc gọi trăng
Lại mời rượu
Lại bưng sông ra uống
Đặt lên mâm những quả tình nẫu chín
Hái từ vườn ấp ủ trăm năm

Nào,
Cạn ly nhé trăng!
Chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc
Mây bạc đầu còn lang thang như hành khách
Dưới vòm trời nơi nao chẳng cô đơn?

Bạn đã thấy cảnh bông cúc đại ngàn “bày tiệc gọi trăng” tuyệt vời chưa? Cúc cạn ly với vầng trăng, uống cả một dòng sông rượu, ăn cả một mâm quả tình chín nẫu từ vườn trăm năm và… cùng ngắm trời đất bao la với làn mây trắng lang thang đơn côi dưới vòm trời. Cúc buồn, nhưng vẫn khuyên nhủ vầng trăng của mình “chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc”:

Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.

Nguyễn Lâm Cúc có duyên với trăng, cũng như Hàn thi sĩ ngày xưa vậy. Chị có nhiều bài thơ hay về trăng, mà bài nào cũng buồn. Đây là một bài thơ về trăng mà tôi đã năn nỉ chị làm nhân dịp Trung thu năm ngoái.

TRĂNG KHÓC
(Tặng Hoài Vân)

Từ dạo ta biết trăng ngà ngọc
Mỗi đêm đều mơ rằm
Đêm qua rằm, vầng trăng đã khóc!
Mây ơi Mây cho ta mượn chéo khăn?

Sau khi chị đưa “Trăng khóc” lên blog, các bạn thơ đã họa lại mấy bài thơ rất thú vị mà tôi cũng muốn đưa vào đây để mọi người nhâm nhi:

Mây đã che, để cho vầng trăng khóc,
Trời lạnh rồi, mây cũng thành mưa thôi,
Tắm mưa đi, ôi trăng rằm ngà ngọc,
Giữa đêm dài, sao trăng khóc trăng ơi!

(Nguyễn Vạn An)

Trăng khóc buồn đâu phải mây mưa
Mà bởi gió phụ tình bội bạc
Ghen ghét ngàn sao đã cùng trăng hoan lạc
Mang mây về để mưa gió cũng về theo.

(Đoàn Văn Nghiêu)

Đọc thơ Cúc luôn thấy một cảm giác cô đơn và bất hạnh. “Mồ côi” là một bài thơ như thế, bài thơ chân thực và buồn đau đến nao lòng:

Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!

Lột bỏ mọi vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!

Tôi ôm hồn ngồi khóc
Chợt hiểu hồn mồ côi!

Và đây là lời trần tình của chị về bài “Mồ côi” trên blog:

“Về bài Mồ côi, Cúc biết nó khó hiểu

Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!

Phải, được làm một con người là điều vinh hạnh. Lại là một con người may mắn có sức khoẻ, không khiếm khuyết càng may mắn! Và, bạn biết trong mỗi con người của chúng ta “ đây là tự chúng ta nhìn, mà tự chúng ta nhìn thì có gì che đậy tâm hồn chúng ta được không?” Chúng ta có thể mang muôn vẻ mặt đi trong cuộc đời, nhưng khi đối diên với chính ta thì ...một lần dũng cảm thừa nhận : “Tôi, phần ngợm nhiều hơn người!”

Bỏ mọi lớp vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!

Bạn ơi, nỗi cô đơn ai cũng có. Đôi khi cô đơn đến đặc quánh như thể thế gian rộng vô cùng và chỉ có mỗi mình ta. Và chung quanh ta chỉ hiện diện những vật chất hữu hình và vô hình. Có bọc được tâm hồn ta bằng vàng, bằng vải, bằng danh vọng, địa vị được không? Tôi tin là không, nhưng ta vẫn bọc nó bằng những thứ ấy. Trong khi điều mà tâm hồn cần là yêu thương, là một nửa của đời người. Và....tôi đã gửi vào bài thơ nỗi niềm ấy đó
Dòng Sông ơi! Một nửa ơi, nếu bạn đã nhìn thấy tôi, đã nhận ra tôi xin bạn hãy ở lại cùng tôi, xin bạn hãy lên tiếng với tôi, vì tôi biết rằng tôi đến cuộc đời này chỉ là để tìm bạn!”

Đây là một bài thơ cô đơn nữa của chị tặng cho bạn gái Bích Nga. Nỗi cô đơn của chị đặc quánh đến mức mà chỉ còn duy nhất cái bóng có thể thấu hiểu và thương xót cho chị:



BÓNG TÔI

(Rất nhiều yêu mến tặng Bích Nga)

Tôi về, trời muộn, đường xa
Tôi về… như những ngày qua đi, về

Tiếng chân rớt xuống vỉa hè
Cô đơn chạm với bộn bề loanh quanh

Bóng tôi… lẻ mãi không đành
Thương tôi, bóng ngả xuống thành hai, ba.

Nguyễn Lâm Cúc có những bài thơ tình khá nổi tiếng như “Đêm”, như “Ơn”, như “Một ngày trần gian không cả gió mây bay”… Bài Đêm và Ơn chắc khá nhiều người từng đọc, từng nhớ, còn tôi thích bài “Một ngày trần gian không cả gió mây bay”, thích cái tình yêu “đến chết chưa hề mong tỉnh lại” của chị:

Em yêu anh
ước chi biết tại sao
yêu đến chết
chưa hề mong tỉnh lại
nhưng trời không cho được vậy
vào một ngày trần gian không cả gió mây bay.

Nước lã em từng say
nghiêng hết đêm về phía không có ai
cố hết sức cũng không thể giữ

Anh sanh ra tình em
anh cũng là người bức tử
ôi trái tim khốn khổ
chết rồi xin nguôi đau!

Cơn bão không biết đã cuốn lên từ đâu?
không nghe gió
không nghe mưa
mà trời ơi tan tác!

Thôi cũng đừng cúi nhặt
chờ luân hồi cây cỏ tái sinh.

Cúc nổi tiếng là một người làm thơ mà không thuộc thơ mình. Nghe nói có lần nghe ai đó đọc thơ Cúc, nhà thơ đãng trí này khen hay mà hoàn toàn không biết đó chính là thơ mình. Thỉnh thoảng chép lại những bài thơ cũ của mình vào blog, Cúc thường chép sai so với nguyên bản, hoặc cũng có thể Cúc muốn sáng tạo thêm, sửa đổi đi cho hợp với nỗi lòng chị trong thời điểm hiện tại chăng? Đây là một ví dụ về sự khác nhau của bài thơ tâm đắc nhất của chị trong hai thời điểm khác nhau:



Đãi Trăng

(bản gốc năm 2006)

Hôm nay nhàn ta mở tiệc mời trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống
Bày lên mâm là dạt dào cảm hứng
Bạn tri âm, bạn có vui cùng?

Này trăng, trăng chớ ngại ngần
Cạn ly nhé. Sông có vơi cũng mặc.
Say thì say nhưng đừng khóc!
Trần gian…cứ mặc kệ trần gian.



Đãi Trăng

(bản chỉnh sửa năm 2008)

Hôm nay nhàn, ta mở tiệc mời Trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống!

Rót lặng thinh vào vô biên độ lượng
Đêm giang tay trên thập tự mênh mông.

Này Trăng
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Trăng có gì riêng mà trầm tư chẳng nói?
Cứ xa xăm, cứ lẳng lặng bên trời.

Cạn ly nhé,
Sông có vơi cũng mặc
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.

Tôi biết một số người không thích thơ Cúc, gai góc, triết lý và đôi khi khó hiểu. Có lần tôi nói với một bạn thơ trên blog rằng, với một người ngoại đạo như tôi, có thể cảm nhận thơ theo hai loại chính, một loại trau chuốt, mượt mà, ngọt ngào, ví như ly nước ngọt, bạn có thể uống dễ dàng và thích thú, còn loại thơ thứ hai đầy cá tính, sâu sắc, khúc triết, ví như ly rượu chát, phải nhâm nhi từ từ mới thấy hết vị ngon của nó.

Dĩ nhiên thơ Cúc cũng có những bài, những câu chưa hay, còn đem theo cả ngôn ngữ đời thường vào thơ. Tuy nhiên với góc độ cảm nhận “nhâm nhi rượu chát” của người ngoại đạo, tôi thích đọc thơ Cúc, nhất là trong những phút buồn và cô đơn của cuộc đời, chợt thấy thơ Cúc như nói giúp nỗi lòng mình.

Bạn có lúc nào buồn và cô đơn trong cuộc đời không? Hãy thử đọc thơ Nguyễn Lâm Cúc trong Trang thơ Nguyễn Lâm Cúc mà tôi trang trí và thiết kế như một món quà nhỏ tặng Cúc và bạn bè của chị nơi đây.


Hoài  Vân

BÔNG CÚC RỪNG BÌNH THUẬN

(Đọc tập thơ ĐÃI TRĂNG – Nguyễn Lâm Cúc – NXB Hội Nhà Văn 2006)
 
Trần Quốc Toàn (nhà thơ)

Thơ Lâm Cúc – thứ cúc rừng Bình Thuận, hướng nội, nhiều tâm sự cá nhân. Nhưng Lâm Cúc, không lạm dụng cá nhân để riêng tư một cách cực đoan, dễ thành bí hiểm, nặng nề. Tâm sự trong thơ Lâm Cúc tự nhiên, nhẹ nhàng. Nhiều lời thơ thanh thoát như một ca từ, đọc rất thích:
Chiều quá buồn
Chút nữa e là mưa
Cây nhớ người
Cành lá rũ ngẩn ngơ

Dáng ai giờ
Bụi sương giăng mờ che
Áo thu
Trời
khoác cả mùa sang hè.

(Cây nhớ người)
Nhờ khoáng đạt, cởi mở như thế, tâm sự thơ chạm được tới thời sự cuộc sống, hòa vào thời cuộc. Trong “tâm” có “thời”, những tâm sự dù rất riêng tư của người làm thơ, vẫn mang tầm vóc xã hội.
Có thể tìm thấy trong bài Thương quá đen lai nỗi nhức nhối thời hậu chiến. Những ngang tắt của lẽ đời đã đưa dẫn xung khắc địch ta tới chỗ hòa hợp (về mặt sinh lý) huyết mạch của con người! Đứa Mỹ lai dù là thứ con rơi của một cuộc chiến thì vẫn là sinh mạng, vẫn bé bóng, đáng thương, vẫn là đối tượng của nỗi ước ao được đùm bọc, cưu mang: Bao giờ cho đến ngày xưa / để tôi lại cõng Đen khờ của tôi / Em đứa trẻ rớt bên đời / Tôi làm mẹ tuổi chín mười của đen. Nhức nhồi chưa, chiến tranh bắt một cô bé lên mười phải còng lưng làm mẹ. Nhức nhối chưa, khi cô bé lên mười kia cũng đã biết cuộc ra đời bất đắc dĩ của đứa con rơi mình cõng trên lưng: Người tôi cháy khét mùi phèn / Em từ trong vũng “đê hèn sinh ra. Nỗi nhức nhối cứ theo thời gian mà cắn rứt lương tâm người trách nhiệm: Bây giờ dạ, gấm, chiếu chăn / Làm sao tôi đắp cho em bây giờ / Tấm bao tải bọc ngây thơ / Đã không bọc được gió mưa lạnh lùng. Bài lục bát như một khúc ru buồn, cứ tích tụ những nhức nhối thời chiến để rồi nổ bom trong một ngày hòa bình, những tưởng chiến tranh đã thu móng vuốt: Trời ơi! Trời có hay không / qủa bom bi nổ đã trùm lên Đen / Ai cha em? Ai mẹ em / Ai gây chinh chiến Đen đền máu xương. Người làm thơ kêu trời trên cao kia rồi nhắc nhở đồng loại ngay bên mình: Người gieo những qủa bom bi / Biết không bom đã giết đi con mình. Nhà thơ nhắc “người” mà cũng là nhắc mình vì chữ “con” cuối bài liền mạch với lời tự xưng, “tôi làm mẹ” đã được xác quyết ngay đầu bài. Với cấu tứ như thế, để lên án chiến tranh xâm lược, Lâm Cúc đã tổ chức được trong thơ mình một tòa án lương tâm.
Nhưng tâm sự thường trực hơn trong ĐÃI TRĂNG là nỗi âu lo về cái khó của việc làm người trong hiện tại hôm nay khi con người đang mải làm giàu, làm giàu đang được khuyến khích. Mải làm giàu, người ta làm héo cây ngô đồng một biểu tượng tình ái trong dân ca Việt: Chen nhau xuống phố kiếm tiền / ngày đi hối hả bỏ quên luống cày / phố phường mưa bạc, gió day / người về ngó ruộng tiếc cây ngô đồng (Tiếc cây ngô đồng). Mải làm giàu rồi mải hưởng thụ, người chồng say, đánh đắm người vợ một thời tỉnh táo của mình: Chị tôi tay tự trói tay / Ô hô cái kiếp chồng say ơ hờ / Ao nông mà chẳng thấy bờ / Chị ơi lội đến bao giờ cho qua…trong cái ao tù kia, một ngày của người vợ tội nghiệp là một ngày dài bắt đầu với những khổ sai tần số cao – 5 thanh trắc công việc trong dòng lục bát nặng nề chỉ có 1 thanh bằng, và kết bằng vết cắt đứt ruột, bằng một chữ đã có từ thời truyện Kiều: Quần quật giặt, giũ, dọn, đơm / Mờ sương quẩy gánh đoạn trường tận khuya (Ca dao buồn). Chính người say ấy một lần khác: Anh về mang bão về theo / Bàn nghiêng, ghế đổ, chó mèo lánh xa / trẻ con khép nép góc nhà / Em qua hàng xóm núp nhờ qua cơn… để rồi Bếp tình lạnh ngắt ngồi nhen / Phập phù thổi gió bay lên tro tàn (Bão). Âu lo rồi an ủi! Và trên hết, người phụ nữ trong thơ Lâm Cúc tìm ra cách thức mềm mại những bề bỉ để giữ người của mình, cách thức ấy được chấp nhận, mong chờ:
Nhớ chiều nhóm bếp nghe em
Để anh nhìn ngọn khói lên anh về
Vào ra giữa chốn hội hè
Mong manh níu sợi khói quê làm người

(Xin em)
Cả tập ĐÃI TRĂNG nối dài tâm sự về chuyện “làm người”, dòng tâm sự giàu nữ tính và nhạc tính.
T.Q.T.

HỒ TĨNH TÂM LỤC BÁT CỦA NGUYỄN LÂM CÚC


minh họaXưa nay Nguyễn Lâm Cúc vẫn lấy trăng đãi người, nhưng lần này chị đã đãi tôi một tiệc thơ lục bát. Đọc xong thấy thích, HTT mạn phép tác giả post lên đây hầu bạn đọc.

Làm thơ lục bát vừa dễ vừa khó. Dễ̀ là vì người Việt ta ai cũng vỏ vẻ biết chút đỉnh về thơ lục bát, thấm nhuần lục bát trong máu từ thuở còn nằm nôi. Khó là bởi phải làm sao cho thể thơ truyền thông cổ điển này mới hơn, hòa nhập hơn trong dòng chảy thơ ca hiện đại.
Tôi không dám nói chùm thơ lục bát này của Nguyễn Lâm Cúc hoàn toàn mới, nhưng rõ ràng là từng bài, từng bài một, vẫn hội nhập được với thơ hiện đại, vẫn có cái tình, cái ý riêng của Nguyễn Lâm Cúc.

Thôi thì để bạn đọc tự đọc, tự thẩm định lấy vậy. HTT cũng chỉ vui vui vì được tặng thơ mà giới thiệu và góp chút đỉnh gọi là bàn luận lương sương cho vui.
Xin chúc mừng Nguyễn Lâm Cúc thơ càng ngày càng hay!
HTT


CA DAO BUỒN
Chị tôi tay tự trói tay
Ô hô! Cái kiếp chồng say ơ hờ...
Ao nông mà chẳng thấy bờ
Chị ơi lội đến bao giờ cho qua?..
Thân làm cây chuối trổ hoa
Cho người đốn gốc rồi ra bẻ buồng
Quần quật giặt giũ, dọn, đơm
Mờ sương quảy gánh đoan trường mà đi!
Ai người đợi chị tôi về?
Thương đôi guốc mộc chưa hề chạm chân.
Hai tay xơ xác phong trần
Đưa ra năm ngón khô dần cả năm.
Lời bình: “Ca dao buồn” là một bài thơ lục bát chân chất, chân tình, mộc mạc, nhưng đọc rồi thì sẽ bị ám ảnh bởi những kỷ niệm, những hồi tưởng đầy chất thơ của nó.
Bài thơ mở đầu với âm hưởng của thán từ, nghe vừa vui, vừa đau, vừa như “bị” tự cảnh tỉnh (hay được cảnh tỉnh):
Chị tôi tay tự trói tay
Ô hô! Cái kiếp chồng say ơ hờ...
Liền đó, hình ảnh thơ vụt hiện một thân phận- xem ra vừa chua xót vừa ngậm ngùi. Nó như thể đang nung lên nỗi buồn của đứa em về cuộc đời long đong lận đận của người chị, dường như đã lỡ cả một đời, khó mà gượng đứng dậy, khó mà dám vứt bỏ để vượt qua.
Ao nông mà chẳng thấy bờ
Chị ơi lội đến bao giờ cho qua.?..
Đọc đến đây chúng ta vẫn chưa thấy sự cảm thông, chia sẻ, mà chỉ thấy nỗi đau rung nhức trong từng câu chữ, khiến hình ảnh lầm lũi chịu đựng, cúi đầu nhẫn nại chịu đựng của người chị, sao mà buốt đau trong ngực. Chỉ với hai câu, nỗi đau đã được Nguyễn Lâm Cúc nhân lên gấp bội lần, bởi sự phủ phàng đến tàn nhẫn, đè nặng lên thân phận cuộc đời một người phụ nữ.
Thân làm cây chuối trổ hoa
Cho người đốn gốc rồi ra bẻ buồng
Thơ viết tới đây đã đầm đìa nước mắt. Nước mắt có thể nói là càng lúc càng thấm đẫm trong từng câu từng chữ. Vậy nhưng Nguyễn Lâm Cúc vẫn muốn giải bày cho cụ thể hơn, minh tường hơn, bằng lối kể truyền thống, trong truyền thống loại hình “thơ kể chuyện” Việt Nam. Kể để mà chốt lại, để mà mở ra, để vin vào đó, nương vào đó, gieo một tứ thơ chạnh lòng và nhói lòng, khiến ta phải bàng hoàng trước một sự thật đang riết chặt cuộc đời của biết bao người phụ nữ “lỡ bước sang ngang”:
Quần quật giặt giũ, dọn, đơm
Mờ sương quảy gánh đoan trường mà đi!
Ai người đợi chị tôi về?
Thương đôi guốc mộc chưa hề chạm chân.
Cái hay của hai khổ thơ này là lối dụng từ khá đắt. “Quảy gánh dặm trường”,”thương đôi guốc mộc/ chưa hề chạm chân”. Rõ là hình ảnh thơ phản ánh thân phận một người phụ nữ nông thôn chứ còn gì nữa. Trên trái đất này, người phụ nữ không chỉ gánh nặng nỗi cơ cực trên đôi vai gầy nhỏ bé, mà còn phải oằn lưng gánh nặng nỗi bất công từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Chỉ một ước mơ nhỏ nhoi, là được một lần xỏ chân vào đôi guốc mộc, nhưng ngay cả điều đó cũng không dễ gì. Để đến nỗi, cuối cùng Nguyễn Lâm Cúc đã phải dựng lên một hình tượng thơ, run rẩy đến bàng hoàng trước mắt ta:
Hai tay xơ xác phong trần
Đưa ra năm ngón khô dần cả năm.

MƯA RIÊNG
Trời riêng một khúc đổ mưa
Bên kia nắng, bên này vừa hanh hanh
Thì thôi em ướt cũng đành
Trách người nỡ tiếc một manh áo choàng.
Bàn luận:
Lục bát là thể thơ xưa
Vào tay Lâm Cúc đẩy đưa – mới liền
Trời hành chi, mưa liên miên
Trách người hẹp bụng làm phiền đến thân
Đọc xong tự thấy tần ngần
Thôi thì thôi cũng một lần ấy thôi.
HTT
SỢI KHÓI QUÊ
Nhớ chiều nhóm bếp nghe em
Để anh nhìn ngọn khói lên anh về
Ngả nghiêng giữa chốn hội hè
Mong manh níu sợi khói quê làm người.
Bàn luận:
Khói lên thành nỗi nhớ ai
Khen Nguyễn Lâm Cúc có bài thơ hay
Ngả nghiêng đến nỗi thế này
Bốn câu níu lại một ngày nhớ anh
Dẫu nhà quê, dẫu thị thành
Yêu nhau thì sợi chỉ mành cũng se.
HTT
TIẾC CÂY NGÔ ĐỒNG
Chen nhau xuống phố kiếm tiền
Ngày đi hối hả bỏ quên luống cày
Phố phường mưa bạc, gió day
Người về ngó ruộng tiếc cây ngô đồng.
Bàn luận:
Người ta ra phố kiếm tiền
Tôi nay ra ruộng kiếm tiên nâu sồng
Nhưng mà chỉ gặp ngô đồng
Còn ai gánh nước mà trông nữa nào?
HTT BÂNG KHUÂNG
Người đi người đứng trông theo
cách nhau chỉ một chữ yêu ngập ngừng
nửa muốn nói, nửa bảo đừng
bâng khuâng nghiêng cả một vùng ước mơ.
Bàn luận:
Hai câu thơ cuối rất hay
Một vùng thương nhớ dứt day cõi lòng
Bâng khuâng quá, nỗi đèo bòng
Tương tư đến độ long đong dặm trường
Nửa thì muồn nói rằng thương
Nửa thì lại sợ giữa đường đứt dây
Xưa nay góc bể chân mây
Xa nhau thì khó sum vầy người ơi.
Trong bài viết về “ca dao buồn”, HTT có nói về sự bất công mà người phụ nữ từng phải truyền đời chịu đựng, nay HTT muốn nói thêm với Lâm Cúc về điều đó.
Thực ra trong quá khứ lịch sử, dân tộc ta không hề có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng ấy trở thành ý thức hệ trong xã hội Trung Quốc phong kiến, dẫn đến họa thiếu phụ nữ trầm trọng ngày nay. Khi tìm hiểu nghiên cứu về tôn giáo, HTT giật mình nhận ra, hình như nước ta là một quốc gia không có đạo. Đạo Phật đến từ phương Đông, đạo Thiên Chúa đến từ phương Tây. Mãi sau này, ở miền Nam mới xuất hiện hai dòng đạo Việt là Cao Đài và Hòa Hảo. Một dân tộc bản lĩnh nhương ấy, một dân tộc tự cường nhường ấy, chẳng lẽ suốt bốn ngàn năm lập nước và dựng nước lại không có chính đạo để hướng cõi tâm linh?!
Tìm kiếm trong lịch sử, HTT nhận ra nước ta có bốn vị thánh bất hủ, là Thần Tản Viên, Đinh Tiên Hoàng, Chữ Đồng Tử và bà Chúa Liễu Hạnh. Trong đó, dường như sự có mặt của Bà Chúa Liễu là ở khắp nơi.
Nước ta từ xa xưa đã có tục tôn thờ chữ “Cái” (Mẹ). Sông Cái, đường Cái. Vị thế của người Mẹ được tôn vinh rất cao. Nếu không có những cuộc xâm lược của người Trung Hoa, sự áp đặt văn hóa Trung Hoa, chắc chắn chúng ta không bị nhiễm (phần nào) ý thức hệ phong kiến theo kiểu Trung Quốc phong kiến. Và như vậy, chắc chắn đạo chính thống của nước ta phải là đạo Mẹ (Mẫu đạo). Nói tới Trời là đấng quyền lực vô song, chúng ta có Mẹ Trời. Rồi thì Mẹ Đất, Mẹ Núi, Mẹ Sông, Mẹ biển… Mẹ Việt là thần thái của dân tộc này, bản lĩnh của dân tộc này, văn hóa đỉnh cao của dân tộc này.
HTT đã đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Bà ở núi Bà Đen- Tây Ninh, chùa bà Chúa xứ ở Châu Đốc, chùa bà Chúa Kho ở Bắc Ninh… rõ ràng vai trò của người phụ nữ trong lịch sử là rất lớn- nếu như không muốn nhắc đến những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trung, Triệu Trình Nương, Bùi Thị Xuân, bà Từ Vũ, bà Thái hậu Dương Vân Nga…
Trong cuộc sống thường nhật, người phụ nữ là điểm tựa hình thành nên sức mạnh cho người đàn ông, bởi vị trí và vai trò của họ thể hiện rất đậm nét trong việc hình thành ý thức hệ gia đình và làng xã.
Anh đi theo Chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già
Trên tinh thần đề cao vai trò người phụ nữ- người Mẹ- dân gian thậm chí còn hạ bệ cả vua chúa.
Một nhà sinh được ba vua
Vua sống, vua chết, vua thua chạy dài
Như vậy đấy! Nguyễn Lâm Cúc ơi!
HTT