Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

NGUYỄN VẠN AN VỚI BÀI THƠ "ĐỂ KHOE CHO HẾT"

"Bài này của Đãi Trăng mà đòi dịch thì quả là liếu lĩnh. Nhưng mà trời sanh ra như vậy, không đổi được..." NVA

 (ảnh minh họa)
  

ĐỂ KHOE CHO HẾT

Khi yêu thương bỏ ta đi

Nhân gian hóa thạch những gì đang hương



Đóng đinh lên vách linh hồn
Treo trong thân xác nỗi buồn váng rêu


Đục lòng cho rỗng để kêu
Bùm, beng chiêng trống. Người theo chân người


Nhe răng ra đếm nụ cười
Để khoe cho hết, một  đời rỗng không.




Nguyễn Lâm Cúc
POUR VANTER JUSQU'AU BOUT

Quand l'amour nous quitte
On nous transforme
Tout ce qui est parfum
En granite

Un clou je plante
sur ma muraille d'âme,
A mon corps, j'accroche
ma désespérance
vêtue d'écume

Je fore mon coeur jusqu'au vide
pour qu'il résonne
Gong et tambour se déchaînent,
Les hommes se suivent
à la file

Exhiber ses dents
compter ses rires
pour vanter jusqu'au bout
une vie
creuse.


Dịch : Nguyễn Vạn An

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

PHAN CHÍ THĂNG ĐỌC THƠ LÂM CÚC

Tôi bắt đầu đọc Lâm Cúc từ bên BlogViet. Khi cả làng di cư sang vnweblogs năm 2007, tôi tiếp tục đọc nàng. Rồi tôi vượt mấy ngàn cây số, lên tận Đức Linh – Bình Thuận tìm gặp nhà thơ, ăn bữa cơm canh cá với Lâm Cúc và vài người bạn, xin được một cuốn Đãi Trăng kèm theo lời thì thầm của tác giả: “Em chỉ còn có một cuốn này thôi…”
 

Chụp ảnh kỷ niệm trước khí chia tay Đức Linh. 2007

Bên cạnh Phạm Dạ Thủy nữ tính theo kiểu truyền thống, Võ Kim Ngân đằm thắm thiết tha, Vũ Thanh Hoa bùng nổ đam mê, Huỳnh Thuý Kiều mới lạ đâm chồi, Tóc Nguyệt đa mang suy tưởng, Hoàng Thanh Trang đột phá tìm tòi, Mắt nâu chân dài thổn thức yêu đương, Đặng Mỹ Duyên tơ vò đắm đuối…cùng nhiều cây viết nữ bloggers khác, Lâm Cúc là một hiện tượng khác biệt.
Lâm Cúc làm thơ như người đàn bà sinh nở. Đớn đau quằn quại. Chính vì thế mà thơ nàng không nhiều, cho đến nay mới xuất bản vỏn vẹn có mỗi một tập Đãi trăng không dày dặn. Một người bạn yêu thơ Lâm Cúc nói rằng thơ in ra hình như nhiều chỗ bị sửa, không hay bằng nguyên bản.
Lâm Cúc không cãi. Nàng không thuộc thơ mình. Việc thuộc thơ Lâm Cúc là dành cho người khác.
Các nhà thơ nữ thường viết thơ yêu. Yêu và được yêu. Hết yêu hoặc hết được yêu. Nồng nàn thắm thiết vụng dại đắm đuối si mê... Có thể có đau nhưng là cái đau của tình yêu nam nữ. Nhưng chưa ai viết thơ đau như Lâm Cúc.
Trong bài “Lòng ta”, Lâm Cúc tự bạch:
Có những lúc ta ngồi như đá núi
Trầm mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời
Lòng thương ta, lòng khe khẽ nói
Ôn ào ngoài kia cũng là chốn không lời.
Ta vỗ về lòng,
Đừng đau nữa lòng ơi !
 Nàng thừa nhận là mình đau. Vì sao đau? Đó là vì:
 Mồ côi
 Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!
Lột bỏ mọi vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!
Tôi ôm hồn ngồi khóc
Chợt hiểu hồn mồ côi!
Cái đau của Lâm Cúc là cái đau khi thấy nhiều người không muốn hoặc muốn mà không được sống làm người với đầy đủ ý nghĩa của hai từ làm người. Nàng lấy mình ra để nói thiên hạ.
Thậm chí trước cảnh một đôi nam nữ hẹn hò, họ đang ngập tràn hạnh phúc mà Lâm Cúc vẫn sợ một nỗi đau sẽ đến với họ:
Người ta hẹn hò, mà lòng tôi cứ rưng rưng
Mà đứng ngồi cứ vô hồi xao xuyến
Liệu người ta có buồn lúc đưa tiễn?
Liệu người ta có đau lắm! Liệu người ta...
(Vô cớ)
Lâm Cúc ít khi viết dài. Nhiều bài thơ ngắn hoặc rất ngắn.
Nó ngắn như một cái dằm, cứ cắm vào da thịt người đọc, làm người ta cứ đau hoài, day dứt.
Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và rất nhiều nhà thơ khác viết về biển. Họ ví đôi tình nhân như bờ với biển, như thuyền với biển. Biển hùng vĩ và bao la luôn là đề tài bất tận của các thi nhân. Lâm Cúc cũng viết về biển, nhưng rất ngắn và không giống ai:
Kìa biển
Bao la
Xanh thẳm
Rạt rào
Sẽ ra sao
Một mai anh khát
Biển dường kia
Không uống được giọt nào?
Một logic bất ngờ. Một cách thể hiện tình yêu rất lạ. Yêu anh và lo cho anh một ngày nào đó sẽ khao khát vô vọng. Tứ thơ rất đàn bà và rất Lâm Cúc.

Lâm Cúc có bài thơ “Để khoe cho hết”
Khi yêu thương bỏ ta đi
Nhân gian hóa thạch những gì đang hương
Đóng đinh lên vách linh hồn
Treo trong thân xác nỗi buồn váng rêu
Đục lòng cho rỗng để kêu
Bùm, beng chiêng trống. Người theo chân người
Nhe răng ra đếm nụ cười
Để khoe cho hết, một đời rỗng không.
Câu thơ “Đục lòng cho rỗng để kêu” là một câu thơ đau tuyệt vời!
Còn:
Nhe răng ra đếm nụ cười
Thì quả là đỉnh điểm của chua chát?
Nghệ thuật thơ Lâm Cúc là nghệ thuật hình ảnh của ngôn  từ. Ngôn từ đậm đặc. Hình ảnh dữ dội.
Tối rất thích bài “Tháng ba”:
Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng
Gió chướng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.
Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.
Mỗi câu là một hình ảnh. Ngoài sự dữ dội, nó còn rất khoáng đạt. Thật bất ngờ khi gặp sự khoáng đạt nơi một nhà thơ nữ.
Đau cho mình, đau cho đời, Lâm Cúc thể hiện nỗi đau đó trong thơ. Nhưng ở ngoài đời sống thực, nàng cô đơn. Nàng phải tìm đến trăng để giải bày tâm sự:
 Đãi Trăng
Hôm nay nhàn, ta mở tiệc mời Trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống!
Rót lặng thinh vào vô biên độ lượng
Đêm giang tay trên thập tự mênh mông.
Này Trăng
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Trăng có gì riêng mà trầm tư chẳng nói?
Cứ xa xăm, cứ lẳng lặng bên trời.
Cạn ly nhé,
Sông có vơi cũng mặc
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.
 Bứt ra khỏi hiện thực, nhà thơ vẫy vùng trong mơ. Nàng cho phép mình đại ngôn, mang cả dòng sông ra để uống. Nhưng vẫn thấy đêm chỉ là một cái thập tự mênh mông!
Tưởng là đãi trăng, nào ngờ nàng thổn thức:
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Khi phải thốt lên “Ta cũng có một tấm lòng”, thi sỹ khóc nhiều hơn là cười?
Nhưng vẫn cười:
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười
Ta gặp lại ở Lâm Cúc bóng dáng những nhà thơ - nhà nho bất đắc chí, khóc với đời, khóc cho đời và cất lên tiếng cười ngạo mạn. Đời này có mấy ai biết khóc như ta?
Ai quen Lâm Cúc hẳn đều luôn được nghe tiếng cười “ha ha” của nàng qua điện thoại. Nghe tiếng cười đó, không ai nghĩ Lâm Cúc là một nhà thơ đau.
Thơ Lâm Cúc không rơi vào cái tầm thường nhi nữ, không sụt sùi nhớ nhớ thương thương, không oán giận hờn ghen vun vặt.
Nàng lặng lẽ “đảo chính” trong thơ. Thơ nàng muốn vuơn đến những giá trị mới, phủ định những cái sáo mòn cũ kỹ, vô vị.
Nhưng không phải lúc nào Lâm Cúc cũng đau. Có những lúc nàng thanh thoát, tự nhiên, nhẹ nhàng như chính bản chất con người nàng, như chính cái điều mà nàng khao khát:
Chiều quá buồn
Chút nữa e là mưa
Cây nhớ người
Cành lá rũ ngẩn ngơ
Dáng ai giờ
Bụi sương giăng mờ che
Áo thu
Trời
khoác cả sang hè.
(Cây nhớ người)
Bài thơ giàu nhạc điệu. Hồn thi sĩ trải rộng, hòa quyện với thiên nhiên mùa thu.
Tôi yêu quý nhiều nhà thơ nữ mà tôi quen biết. Lâm Cúc, người đang sống và làm việc ở một huyện miền núi xa lắc của Bình Thuận, có một vị trí rất đặc biệt trong số họ.
Lâm Cúc viết không nhiều. Nhưng bài thơ nào của nàng cũng thuộc loại “chết người”!
Ngày đầu năm 2011, tôi loay hoay viết bài này. Viết xong vẫn không biết mình đã trả được món nợ mấy năm rồi hay chưa?