Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Nguyễn Lâm Cúc CHĂN MẶT TRỜI

CHĂN MẶT TRỜI

Nguyễn Lâm Cúc
Ngừng thôi – roi quất lưng chiều
Chân cuồng chăn dắt còn yêu đỏ mùa?


Mặt Trời lăn xuống núi thưa
Đổ bao thương nhớ cho vừa lòng đêm.


Cởi ra lại buộc vào thêm
Vay kiêu hãnh trả nỗi niềm. Đủ chưa!


Nẫu nhừ từ độ chanh chua
Hồn mơ một dạo sương đùa bóng qua


Đường xa xa
Đường xa xa
Chiều rơi chầm chậm
Mình ta uống chiều.

11/7/2010

Lời bình của Vân Đình Hùng: Vay kiêu hãnh trả nỗi niềm

Tháng bảy đọc thơ Nguyễn Lâm Cúc không khỏi chạnh lòng. Mùa ngâu ngoài Bắc treo câu đồng dao: vào ba ra bảy rẫy tám… Mùng ba, mười ba, hai ba. Mùng bảy, mười bảy, hai bảy. Đấy là những ngày chính Ngâu! Mùng tám, mười tám, hai tám tạnh ngâu. Mùa này Ngưu Lang được phép gặp Chức Nữ. Nhớ thương nhau cả hai đều sùi sụt. Nhân gian ướt sũng vì tình cảm của họ. Chàng Ngưu chăn trâu trên mặt trăng, vương quốc riêng của nàng Hằng Nga ngời ngợi. Nguyễn Rừng Cúc đi chăn mặt trời, cuối ngày ngồi ngắm chiều rơi chầm chậm… nhâm nhi uống chiều để lại bâng khuâng cho chính mình và bạn đọc thơ mình.
Vay trả sòng phẳng là một tính cách dễ thấy trong văn phong của Nguyễn Lâm Cúc. Từ những cảm nhận viết chơi cho blog của bạn đến một nhận xét khá xác đáng trong bài viết cho tập thơ Cởi gió của nhà thơ Quế Mai: “Tôi yêu những bài thơ sanh ra từ nỗi niềm của một số phận. Tôi càng yêu những câu thơ ra đời từ thấp thỏm áo cơm. Chúng mang trên mình mùi oi nồng của giọt mồ hôi. Thậm chí có lúc còn ngửi thấy cả mùi phân bón hòa lẫn với mùi ngai ngái cỏ cây và bụi bặm mịt mù. Vì thế, chúng lấm lem và mệt mỏi. Nhưng chúng đầy sức sống!”
Điều này như ám vào thơ của chị. Chân cuồng chăn dắt còn yêu đỏ mùa? là câu thơ của một số phận. Chân cuồng – mỏi. Chân cuồng chăn dắt – mệt. Mồ hôi nhỏ giọt. Mỏi mệt theo mồ hôi chảy ra ngoài. Nỗi buồn thì lại chảy vào trong. Lặn sâu, thật sâu ở nơi hoang vu cõi lòng nữ sỹ. Để lúc ngắm hoàng hôn chầm chậm rơi, cục buồn tự dưng bật lên đồng hành với thân xác một khối nhìn trái sáng như đang vọng ai. Em có vọng ai đâu mà hoá đá (Xem đêm – Thơ Phùng Cung)
“Chúng như chàng trai mở phanh cúc áo thách thức số phận. Chúng như người mẹ lưng còng nhưng sẵn sàng cõng đất nước đi qua mùa chiến tranh. Nhưng với mẹ, các con hãy cứ lên năm.  Đáng tiếc, đứa con lên năm trong hình hài già cỗi làm mẹ đau lòng biết bao nhiêu!”
Tôi hoài nghi đứa con lên năm trong hình hài già cỗi của chị. Tuổi này ở nông thôn miền Bắc là đã biết làm ngưu lang đi chăn… mặt trời rồi. Hà cớ gì phải già cỗi nhỉ?
Tiếng roi quất lưng chiều ráng đỏ. Đỏ cả mùa yêu. Thế mà lòng đêm sâu thẳm trong thơ này, của chị, nuốt chửng mọi nỗi niềm mà chưa hả. Hay là có gì sái thời còn chanh chua mà ra nông nỗi. Hay là mượn câu của cụ Lê Đạt nông nỗi heo may từ đó!
Năm câu lục bát là ngũ cung: hồ, xừ, xang, cống, xế. Trọn khúc này, người thơ về đâu nhỉ? Tôi đồ rằng, chiều này là chiều Tánh Linh, nơi chị đang hành xác cùng với đàn voi nổi danh một dạo. Vọng từ đâu mà tự dưng nghĩ tới chăn mặt trời? Nếu được cưỡi trên lưng thì giời ạ, khỏi bàn luôn. Hay là giấu ở nơi thật sâu kia là khao khát. Nỗi niềm này đã trả cho cái kiêu hãnh từ độ chanh chua rồi còn gì.
Tiếng roi quất lưng chiều ráng đỏ. Tím cả mùa yêu. Màu sắc chuyển theo cái hòa sắc của quang phổ con vật bị chăn dắt. Người đi chăn luôn được áp sát với oi nồng, với chói loà, với dương thịnh, với bề ngoài, phía trên. Còn bên trong, phía dưới, phần âm? Những thứ ấy chính là thứ mà chị đang hướng tới, thơ chị đang hướng tới.
Tiếng roi quất lưng chiều ráng đỏ. Vàng cả mùa yêu… Tôi như bị thôi miên bởi thi ảnh này, chập chờn ma mị, nghe như có cả tiếng voi rống trầm hùng.
Và chợt nhiên nghe ngừng thôi – roi quất lưng chiều. Tôi chợt tỉnh để trở về cõi thực. Bất chợt trước mặt tôi bạt ngàn hoa cúc xanh trong dáng chiều vàng rộm màu rơm ngày mùa. Mùi rơm thơm ngất ngây. Mùi cốm đầu nia trinh nguyên gói trong lá sen bánh tẻ gọi mời. Hương thơm oải oải mùi thơm một nắng. Mời người chăn dắt, suốt đời chăn dắt như cái nghiệp đã khoác của nhà đài, nhà thơ nữ ở đất đã bình lại thuận.
Roi quất lưng chiều. Roi quất lưng… chiều rơi chầm chậm. Thật chậm, thật… chậm! Và nhàn hạ như đi chăn mặt trời vậy.
Ngày 17/10/2010 – Vân Đình Hùng

2 Responses to “Nguyễn Lâm Cúc CHĂN MẶT TRỜI”

  1. Thanh An 19/10/2010
    Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn – là một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hữu Thỉnh được xào nấu một cách khéo léo lại được người bình tỉa tót thêm mấy bông hoa cà chua, nhánh hành xinh …thành một đĩa khá tươm tất.
    Khen thay công nghệ tinh vi bác Tạo ạ.
    _______
    Gửi Thanh An,
    Tôi nghĩ: Nghệ thuật khởi đầu là bắt chước. Bắt chước thiên nhiên, vạn vật, con người… và bắt chước nhau. Ai đã làm ra “lục bát” để người đời sau còn bắt chước đến muôn năm? Nhưng khi nó thực sự là nghệ thuật tức là nó trở thành một sáng tạo độc lập.
    Bài thơ của Nguyễn Lâm Cúc là một sáng tạo có cá tính riêng mà không phải ai cũng viết được như vậy. Chỉ một chữ “quất” mà bạn bảo là “tinh vi” thì bạn đã bị ám ảnh quá về chữ đó rồi. Vì thế mà ý kiến của bạn như một hỏa mù tung ra giữa đám đông.
    Đọc nhau có thể thích hoặc không thích, nhưng không phải cái gì bạn không thích đều đúng với mọi người.
    Cám ơn bạn đã ghé thăm và có lời.
    NTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét