Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

TỪ "HIU HIU GIO BẤC" ĐẾN " ĐỒNG CỎ CHÁT' VÀ NHỮNG CON CHỮ "LẶM LỘI"

NLC
Tình cờ, tôi ngồi cùng Phan Đình Minh, Nguyễn Ngọc Tư và Võ Đắc Danh trong một bàn tiệc.
Không có gì kỳ cục và bản thể bằng ý nghĩ. Cũng không có gì kỳ diệu, tao nhã  bằng ý nghĩ. Trong vài giây ý nghĩ đã có thể đến Nam Cực rồi quay về lục chạn tủ thức ăn, bỉu môi chê cái mùi tanh ói xộc ra từ con mực chưa nấu. Ngay liền đó, ý nghĩ đã mơn man một nụ cười mà nó đã  cưỡng đoạt xong một cơ thể…Tôi tin chắc, ý nghĩ của bất kỳ người nào cũng đều xảy ra tương tự, thậm chí xảy liên hồi kỳ trận, chỉ là ít ai nói ra, họ nghĩ gì.
 Lúc này đây, ý nghĩ của tôi là  một tam giác. Tôi kéo một đường nối từ Phan Đình Minh đến Võ Đắc Danh và sang Nguyễn Ngọc Tư. Nối vùng chiêm trũng bên con sông Lai Vu đến đầm lầy đầy bần đước, và tầng tầng lớp lớp cỏ rêu, đưng, lác của U Minh  hạ, U Minh thượng, Cà Mau; rồi từ đó đường kéo này nghẹo sang những trang viết của họ. Một tam giác hoàn toàn không đồng đều, dù có thể xuất hiện những chỗ đồng nhất, thì đã sao?
Nhà văn Phan Đình Minh từng là chú lính tơ, đóng quân ở gần ngôi đền mà Campuchia và Thái lan đang tranh giành. (Sự tranh giành luôn xảy ra cho dù đó là nơi linh thiêng, hay chỉ là nơi có hai người.  Ừ mà phải nói rằng, càng là nơi linh thiêng thì càng tranh giành quyết liệt, vài nơi trên thế giới đang xảy ra như thế trong vài chục năm rồi, đủ làm bằng chứng chưa nhỉ?)
Nghe đồn, dạo nhà văn Phan Đình Minh đang là lính, có khi suốt tháng chỉ làm mỗi nhiệm vụ lang thang đi tìm rau muống, đêm về nằm ước sau này mình có truyện ngắn được đọc trên trên Đài Tiếng Nói Việt Nam vào giữa khuya để ông bố nông dân của mình cứ lịm đi vì xúc động, nở ruột, nở gan tự hào về thằng con từng xì xụp mò cua, mò ốc nơi con sông chảy quanh làng. Và  thiên hạ cũng từng xầm xì, dạo ấy, chàng trai Phan Đình Minh yêu một nữ quân y, sau này nàng về công tác ở một phân viện 175, Thủ Đức. Mối tình thơm nồng nàn vị món miến gà và nóng hầm hập những cơn sốt rừng khô héo. Nàng đã lặng lẽ rời đi không một lời từ biệt. Chàng vẫn mong có ngày hội ngộ để thăm hỏi nhau…Sau này nữa, khi cuộc chiến Tây Nam tạnh khói, Phan Đình Minh đầu quân lực lượng công an và công tác ở Hà Nội.
Võ Đắc Danh và Nguyễn Ngọc Tư  khác hẳn Phan Đình Minh, cả hai là con Cà Mau và hao hao như sông nước một màu ( Tất nhiên, Nguyễn Ngọc Tư, nữ giới, trẻ, mộc mạc, màu da đậm, đằm nắng gió, hệt như Tư vừa bước từ đồng ruộng vào,  vóc dáng bé nhỏ, chân đi cùng bước với mèo hoang. Tôi dám chắc, nếu ngồi lắng nghe thì có thể nghe tiếng thở dài của nhân vật Tư viết, ví dụ như tiếng thở dài của Hết  trong “ Hiu hiu gió bấc”, sau lúc tiễn tốt sang sông, kế đó là tiếng rớt của thời gian rơi giọt giọt, chứ không phải tiếng chân của Tư. Tư có nụ cười nửa thẹn thùng, nửa chế riễu mọi sự trên đời, tuồng như tất thảy chỉ đáng để cười như thế mới có thể bắt tay thỏa hiệp. Ừ, thì thỏa hiệp.
Võ Đắc Danh tất nhiên là ngược phái đối với Nguyễn Ngọc Tư. Anh dong dỏng cao, hơi mảnh khảnh một chút về vóc dáng, gương mặt phong kín mọi ý nghĩ, ngay cả trong đôi mắt cũng không tiết lộ bất kỳ điều gì. Chúng dường như ở một nơi nào quá xa xôi và quá bận bịu với suy tưởng, ngẫm ngợi, hoặc đang đuổi theo một điều gì có thể nắm giữ được, cũng có thể là không, ví dụ như chân lý chẳng hạn.
 Võ Đắc Danh thành công bằng các bút ký đẫm tình yêu cuộc sống với  những người thật, việc thật, tốt đến khó tin như chàng tiều phu Nguyễn Tấn Bông, ở Núi Cấm, trong "Cổ tích trên đỉnh mồ côi"; hoặc xấu đến kỳ lạ như Điều  trong “ Đồng cỏ chat”. Điều gắn với chị Thiện bằng dọa nổ tung lựu đạn. Hắn bỏ chị Thiện đi dễ dàng, còn chị Thiện muốn không liên quan đến hắn nữa bằng pháp luật thì lại vấp núi, vấp sông đến tưởng như không làm nổi. Thế mà không lạ, cái gì lạ nữa, nhỉ?
Hầu hết các tác phẩm đã công bố của Võ Đắc Danh là ký, một thể loại “gân” trong viết báo. Bởi vì, nhân vật trong ký là thực, sự việc trong ký là thực, nhưng ngôn ngữ phải là văn. Nó cũng phải óng ả, chuốt lời, chuốt ý mềm mượt. Cũng gợi cảm xúc hỉ nộ ái ố để thương thì thương quéo ruột, mà giận thì cũng phải giận nổ trời; cũng gợi cảnh như vẽ tranh, sắc màu đậm nhạt, tối sáng phải chỉnh chu, vừa ăn ý, vừa chuyển được nhịp thời gian, chuyển được rộng hẹp, cao thấp của không gian...Muốn viết được ký, chuyện đầu tiên là tác giả phải “lặm lội” ( chữ lặm lội tôi đọc lần đầu trong văn của anh Phan Đình Minh. Sẽ trở lại với chữ này ở đoạn sau) đến tận nơi, mắt ngó cảnh, miệng hỏi chuyện nhân vật, đầu óc quan sát, ghi nhận và tay thì hý hoáy không ngừng với những tư liệu không thể nào nhớ hết. Đêm về, đầu óc lẩn vẩn bên nhân vật, vần qua, vò lại có khác nào tương tư tình nhân. Đồng thời phải phân tích sự, việc, đưa ra  luận điểm để “thương” hoặc để “ghét”... Nhưng muốn làm việc đó phải làm khéo như thể “ tui đâu nói gì đâu”; sự việc, hoàn cảnh và con người trong cuộc nói đó chớ. Một chuyến đi vượt hàng trăm cây số, tốn vài ba ngày, về bằng tay không là chuyện thường ngày ở... ấp. Trên văn đàn Việt Nam, người thành danh với thể loại Ký chỉ đếm trên đầu ngón tay như nhà văn Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường..., trước đây vài chục năm, và nay là Võ Đắc Danh.
Những tác phẩm ký còn lại trong lòng người đọc hôm nay, của những tác giả đi trước đa phần là ký về phong cảnh, ký về món ăn, phố xá, ký nhân vật nổi tiếng như các chính khách, văn nhân, hoặc nghệ sĩ. Riêng mảng ký Thời sự hầu như ít người viết. Ngày nay, ký thời sự với những nhân vật phản diện, viết được nó người viết phải “ngang tàng” kiểu rễ bần của sông nước Nam Bộ, cắm ngược lên trời xanh ngạo nghễ.
Nếu xếp một số  tên tác phẩm của Võ Đắc Danh lại sẽ có những “mật mã” mở xoáy vào nhân tâm như: “ Lấy chồng xa xứ”  thì đến “ Đất và máu”  rồi quay trở lại “Về với đáy sông”  và  “Hàn sĩ lên ngôi vua cá”  “Giữa hai dòng mặn ngọt” để “Chiều chiều ra đứng ngỏ sau” ngóng “ Cổ tích trên đỉnh mồ côi”…Những con chữ lúc này giống như đã được Trì Chú Từ Bi, chúng trở nên đạo hạnh hơn trong bàn tay thuần dưỡng của tác giả. Bạn thử mở những “mật chú” kia ra, đi vào tác phẩm và sẽ có những thẩm định riêng của bạn. Tôi tin vậy.

Nguyễn Ngọc Tư đến với tôi bằng “ Hiu hiu gió bấc”. Cái ngọn gió khiến Hết gạt nước mắt tiễn tốt qua sông trên cuộc cờ người. Tôi không nghĩ như Tư, rằng cờ tướng là môn dành cho người quân tử. Với tôi, đơn giản đó chỉ là một môn chơi. Ai thích cầm quân mà không có điều kiện “ đánh đấm” thật trong cuộc đời, cứ việc ngồi vào bàn cờ tha hồ điều binh khiển tướng. Những kẻ đó, khối người chỉ là người thôi, chẳng quân tử, cũng không tiểu nhân; chẳng anh hùng cũng không hèn toàn diện.  Vả lại, thời nay tìm quân tử trong cuộc cờ e còn khó hơn tìm anh hùng chốn nhốn nháo thị trường. Không tin, bạn thử ra ngỏ mà xem, chẳng phải ngoài ngỏ đầy anh hùng đó sao?
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư hôm nay đã nhiều, tôi đọc xong cái quên, cái nhớ. Nhân vật của Tư cũng nhiều, nhưng tôi nhớ Hết. Tôi ghét  giọt nước mắt của Hết. Tôi ghét cuộc cờ không cho con tốt sự lựa chọn nào khác. Điều đó có phải là “số phận” vốn thế hay không? Về tốt, luật chơi đã định sẵn. Quyền của anh ở chỗ là thích chơi cờ phải chấp thuận, không thì lựa chọn môn chơi khác. Nghĩa là anh có quyền từ chối không chơi. Còn Hết, sao lại bằng lòng làm tốt trên bàn cờ và chấp nhận nước đi không bao giờ quay về nhỉ?
Những dòng văn của Tư neo trong đầu tôi dấu móc câu hỏi, và cứ thế nó bắt buộc tôi lần theo những trang viết của Tư không ngừng. Tư sẽ làm gì cho các nhân vật của Tư? Sẽ mãi để họ với “ Đời như ý”, hay chờ đợi phút “Giao thừa”, hay sẽ đi cùng khi đã “ Cuối mùa nhan sắc”…?
Tôi lẽo đẽo theo các nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi lang thang cùng “Giang,  Nhớ sông” trong cái đêm trở về, hai chị em cùng thao thức trên bến vắng, nghe “Hiện, nằm ca sang sảng”. Tôi cũng bẩn thẩn bần thần cùng “ Dì Út Thu Lý” đứng đầu ngỏ trong “Chiều Vắng”
Nguyễn Ngọc Tư là thế hệ sanh ra từ 7X, sao cái nhìn lại dằn vặt  nhiều chịu đựng trong tình duyên đôi lứa? Chị Đặng Thị Kim Oanh bạn tôi nói rằng, phụ nữ thế hệ 5 X vẫn bị trói buộc hoàn toàn trong tiết hạnh gia phong. Phụ nữ sanh ra trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước nhiều vật vả trước cái mới ào ạt ùa vào đời sống cởi bung mọi quan hệ rằng quí ông thì tha hồ năm thê bảy thiếp, chị em chính chuyên thờ mỗi một chồng. Thế hệ sanh từ những năm 70, hay gọi là 7 X bước vào giai đoạn khác hẳn 50, và họ rất mới từ nhận thức đến biểu hiện trong tình cảm luyến ái. Điều này, gần như không thấy trong các nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Tư?
Nhiều người nói, họ thích Nguyễn Ngọc Tư không phải do cốt truyện của chị, mà là do giọng văn ngọt lịm chất Nam Bộ dân dã.
Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư,  đọc ký Võ Đắc Danh khiến tôi thấy đằng sau chữ, nghĩa của họ là bóng dáng của những nông dân, những con người  lặng lẽ, buồn buồn. Họ gợi cho tôi bến phà Cần Thơ nơi lần đầu tôi gặp những chiếc xe đạp  chở khách. Các bác phu xe có lời mời ngọt dẻo như kẹo dừa Bến Tre, gò những tấm lưng dài nhẳng, trên những chiếc xe đạp có chiều dài như mong ước của họ. Họ cũng gợi  nên Hậu Giang, Long Xuyên  nơi đàn sáo bay rợp  dân ca; bầy muỗi dày  vãi trấu, nhốn nháo liệng đen mắt mỗi chiều, quanh bàn nhậu Tía Hai, cậu Út uống  đế Cuốc Lủi do các Chế cất từ gạo  Tám với nước sông Tiền, sông Cửu Long. Tía bẻ trái ớt hiểm chấm vào chén  nước mắm ép từ con cá Sặc, cắn sựt, xong bưng ly rượu tăm sủi lăn tăn, dựng đứng cổ ực gọn. Họ cũng gợi trong tôi  hình ảnh những cây bần với bầy rễ khỏe khoắn dựng ngược  lên trời trên bên những bờ sông, bờ kênh dày đặc phù sa. Trông chúng thảnh thơi, ngạo nghễ và đầy vẻ thách thức, tự tin. Chúng rất thành công từ khai thiện lập địa cho đến ngày nay trong tư thế giữ đất, và chiến thắng mọi cuộc xâm lấn của nước biển. Nhưng,  ngày nay, chúng gần như  đã đại bại dưới bàn tay tàn phá con người.
Những dòng chữ mang tư tưởng chỉ có thể đủ mạnh khi chúng được nuôi dưỡng trong triệu triệu trái tim. Ngược lại, chúng chỉ là rác. Chẳng phải loài người đang thiếu lương thực, thiếu tình cảm, thiếu tài nguyên, cả khí trời rồi cũng sẽ thiếu, chỉ rác là tràn ngập từ trong tâm ra đến mặt đất đó sao! Và thật đáng thương, khi chúng ta đã ngập trong rác với mùi của nó mà mặt cứ vênh vênh.
Nếu Võ Đắc Danh thuần dưỡng được con chữ trong ký, Nguyễn Ngọc Tư khai thác thành công ngôn ngữ dân dã Nam Bộ, thì nhà văn Phan Đình Minh khiến người đọc thú vị bằng những câu chữ mới hoàn toàn, hay chí ít là tôi đọc lần đầu trong văn, thơ của Anh. Về gió, tôi ngất ngây khi đọc dòng này trong một tản văn của Phan Đình Minh: “ những lát gió hòa loãng nắng vẩy lên không khí hội hè…” Ngọn gió, gió thoảng, gió bão, gió nhẹ, gió hiu hiu, gió buốt, gió nhè nhẹ vv. Tôi từng đọc rất nhiều, đọc đi đọc lại và khi viết cũng quẩn quanh cùng những chữ gió ấy. Nhưng chữ “lát gió”  thì mới quá.  Chưa hết, về sau cũng là gió, tôi còn bắt gặp những gió khác nữa trong văn Phan Đình Minh: “Gió trộn trạo mơn man, lá sấu vung vãi xuống đầu. “Gió quẩn ngang trời”;  “Trời trở, hong heo bụi, đường làng dệu gió”, trong “ Tết lạnh”. Và nói về lạnh, trong “Tết lạnh”, tôi bắt gặp những con chữ lạ, chúng khiến tôi tin chúng vừa quậy cựa chào đời dưới bày tay, khối óc của Anh:
Bên ngoài, lạnh veo véo muốn bứt vỡ tấm kính cửa nhà”. Trong “Chốn quê”.
“…cái lạnh ngoai ngoải trong ánh mắt những người trồng đào.”
 “Da mặt em dường khô hơn bởi tãi giữa những cơn lạnh 7 - 8 độ hun hút trên đường”.
Ánh mắt cô gái buồn vô vảo. Tôi lom rom và bỗng rùng mình khi nhớ lại mình nênh bênh lúc 4 giờ sáng hôm qua” 
 Hoặc những chữ sau đây:
Giọng bà Hình, nghèn nghẹt như thổi gió vào ống tre, giọng thằng Quý, khậu khẹt, ngầu ngò”.
Anh Ứng, thập thừng.”
 Hoặc những chữ, “giấy thiu, múc từng thìa nắng, bung biêng thấp cao, sương khổ... Không còn nhớ được đã đọc tác phẩm nào của Phan Đình Minh, chỉ nhớ chữ rất lạ.
Có những chữ Anh viết tôi không hiểu. Tôi đoán có thể đó là phương ngữ, cũng có thể do cách phát âm mà ra. Nhưng có nhiều chữ như chữ “lát gió”, tôi tin chắc là do Anh nhào nặn máu thịt mình  mà thành.
Có những chữ khi đứng riêng lẻ chắc nó chưa biểu hiện nghĩa gì, thậm chí không có nghĩa như “vô vảo”. Nhưng khi nó đứng trong câu: “Ánh mắt cô gái buồn vô vảo”, thì đã khiến tôi hình dung trong mắt cô gái ấy không bắt gặp bóng người, không bắt gặp lá bay, chim liệng hay bất kỳ thứ gì kể cả ảo ảnh. Nó chỉ còn hiện diện choáng ngợp nỗi buồn. Hay như chữ “ khậu khẹt, nó chỉ gợi một âm thanh, không có nghĩa gì khi đứng riêng; hoặc chữ “giấy thiu, múc từng thìa nắng” chỉ có nghĩa bóng…
Tôi tin, kho chữ Việt không ngừng bổ sung nhiều từ mới, nhiều chữ mới do thời đại, do cuộc sống mang lại để cũng có thể dùng nó chuyển tải lại  hơi thở thời đại và mạch đập cuộc sống. Hy vọng  những con  chữ  “ lặm lội” chào đời của nhà văn Phan Đình Minh  sẽ có ngày cùng đứng trong hàng chữ Việt, trên nhiều trang viết. 
NLC
17/4/2011

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

TÔI YÊU NGÀY HAI BỐN THÁNG TƯ

Feb 2011 036

NLC
Dăm năm nay gần đây, trừ những lúc không thể lên mạng, còn nếu đã lên được mà không  “mò’ vào blog Thanh Chung thì giống như khát nước không thể uống. Thèm chết đi được. Hề hề.
Vào Thanh Chung, chắc chắn sẽ “thó” được một điều gì đó. Thậm chí còn có thể được thưởng thức “đặc sản bốn phương” mà Chị bất ngờ chiêu đãi một cách hào phóng. Như “CuBa Thiên Đường và Gian khó”, bài viết mới nhất của chị khi tôi gõ những dòng chữ này chẳng hạn. Chị đã trình bày về CuBa một cách gần gũi, chân thật. Một cái nhìn bình dị không bị méo mó qua bất kỳ lăng kính nào, bởi vì chị không có mục đích nào để “mị” người đọc. Một điều bình thường trong thông tin. Nhưng có lẽ, quá lâu bị bao bọc, bị bủa vây trong những thông tin rập khuôn, có mục đích bằng các “sáng tạo chi tiết, hoặc cắt xén đoạn khúc” theo ý đồ của tác giả, nhóm người  nên tôi và bạn khao khát những dòng thông tin chỉ đơn giản là chụp lại vấn đề một cách trung thực? “Mỗi hộ gia đình một tháng được phân phối vài chiếc đùi gà và hai vỉ trứng. Giá rẻ như cho không. Mua, bán thực phẩm ngoài chợ đen bị coi là phạm pháp. Nhiều công chức nhà nước mỗi ngày chỉ ăn một bữa chính vào buổi tối. Bữa sáng gồm vài lát bánh mỳ và một ly cà phê. Bữa cơm trưa được xếp vào hàng “xa xỉ”.” Đoạn viết này của Chị khiến tôi nhớ đến bà Duy, mẹ của Bình ở cạnh nhà tôi. Những năm 79, 80 của Thế kỷ trước, bà Duy buôn hàng chuyến Sài Gòn- Đức Linh và ngược lại. Khi ấy, Quản lý thị trường bắt từ hạt đậu xanh, đến ký thịt heo. Bà Duy đã bó những ký thịt heo vào đùi, vào bụng giả làm người đang có mang để lọt qua các chốt kiểm soát. Bà đã làm thế trong nhọc nhằn, đau khổ và cả cảm giác tội lỗi vì phỉ báng thức ăn, vì trot cất để thức ăn vào nơi “ô uế” mà người mua có khi dùng làm đồ thờ cúng. Những đồng tiền hổn hển đau đớn đó của bà nuôi Bình thành một ông nhớn ngày hôm nay. Những dòng viết của Thanh Chung, cũng gợi tôi nhớ đến một truyện ngắn trong tập “Thời Loạn” của nhà văn Hoàng Đình Quang, tôi không nhớ tên truyện, không nhớ tên nhân vật, chỉ nhớ họ đi qua cửa ngỏ kiểm soát Thị trường ở Long An vào SàiGòn. Anh cán bộ thị trường bắt một soong thịt heo kho với lý do nó quá 5ký cho phép. Người bị bắt năn nỉ, khóc lóc trình bày rằng đó là nồi thức ăn mang lên nuôi cha bệnh nằm dài ngày trong bệnh viện Chợ Rẫy. Vì nghèo khó mới phải làm thế cho đỡ tốn kém. Cán bộ vẫn khăng khăng thực thi nhiệm vụ (giá mà ngày nay cán bộ ai ai cũng cứ thẳng mực tàu như thế, rạch ròi cương quyết như thế, khi thi hành công vụ thì phúc cho đất nước, biết mấy) cương quyết bắt giữ nồi thịt kho. Người bị nạn nỗi cáu nói, thịt bắt thì bắt nhưng nồi trả lại. ( Hình như ngày đó chưa qui định bắt luôn phương tiện phạm pháp hay sao ấy) vì thế thịt mang đổ ra, còn nồi giả cho khổ chủ. Lên xe, nhà văn hỏi người mất thịt: Bố anh ốm gì? Anh kia nói, bố tôi có ốm đâu. Ai bảo bố tôi ốm? Thì tôi nghe anh nói thế với cán bộ lúc xin nồi thịt. Gã ấy cười hô hố, đó là điệp khúc xin xỏ thôi. Nồi thịt ấy là món hàng bỏ mối. Tiếc. Mất cả chục ngày công!
Ôi. Kẻ cắp bà già! Thời thế nó thế. Và có phải thời thế luôn sản sinh ra như thế?
          Hay như đoạn viết sau đây của Chị: “Phía trước tòa nhà “Quyền lợi Mỹ”, các bạn Cuba dựng lên 154 cây cột, Tượng trưng cho 154 nạn nhân bị khủng bố dưới bàn tay của Mỹ. Vào những ngày văn phòng này cho chạy những dòng chữ điện tử “khiêu khích”, kêu gọi tự do, dân chủ; Chính quyền Cuba cho kéo lên một rừng cờ đen. Một mặt để che kín những thông điệp do “kẻ thù” đưa ra. Mặt khác những lá cờ đen, dài rộng bay phần phật trong gió cũng tạo ra những hiệu ứng tâm lý đặc biệt với cả hai phía.”.
Tôi có lẽ đã hàng trăm lần đọc thông tin về đất nước CuBa anh em, nhưng đọc bài viết gợi suy nghĩ nhiều là bài của chị Thanh Chung là lần đầu. Tôi tự hỏi, sát biên giới với Mỹ sao CuBa lại thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nghèo khó đến như thế? Trong khi đó về sức vóc con người, dân Cuba to cao đâu kém bất kỳ dân tộc lực lưỡng nào trên thế giới? Họ lười biếng đến cùng cực, hay cơ chế của đất nước họ trói buộc nhân dân trong cái cơ cực của đạo hạnh thiên đường?
Một bài viết mà sau khi đọc xong khiến bạn phải loay hoay quanh nó nhiều giờ, khiến bạn phải cân, đong, đo,  đếm từ những vật phẩm nhỏ nhoi như bó rau, lạng thịt đến đất nước và con người thì bài viết ấy dứt khoát phải do một tác giả đủ có óc quan sát tinh tế, và bao quát. Đồng thời, tác giả phải có cái nhìn rất căn cơ với vấn đề con người sống để làm gì? Để mưu cầu hạnh phúc hay chỉ để ăn, sống và sống để ăn? Hay để hy sinh hoặc nhận những gì người hy sinh mang lại?
Có rất nhiều người bạn khuyên chị Thanh Chung đừng “cãi nhau” với thinh không nữa. Tôi lại nằm trong số những người thích “mục sở thị” bài viết gọi là “cãi nhau” của Chị. Mỗi khi đọc những bài viết này tôi không khỏi nghĩ thầm, Thanh Chung “cãi” như thế chắc ít “thầy cãi” nào dám đứng ra “tay đôi” cùng Chị. Bởi vì, vấn đề trong bài viết của Thanh Chung vừa rất cụ thể như “Lượm” của VTV, như “ anh Tô”, hay như “chuyện thầy Khoa”…nhưng đó cũng là những nổi cộm của tảng băng dư luận về các vấn đề xã hội, trong đó sự xuống cấp ý thức, văn hóa, đạo đức đã làm nhức buốt lòng người. Chị dùng cái chặt chẽ của con mắt nhà Kiểm toán để đo lường sự việc. Dùng cái tâm của người mẹ, người chị mà lên tiếng, dùng tấm lòng của người thích việc thiện mà san sẻ, dùng ngôn từ sắc như dao, nặng như đá núi để rạch đôi, chia nhỏ vấn đề ra xem xét tỉ mỉ sự sai, đúng qua các mặt cắt và có trách nhiệm khi lên tiếng. Tiếng nói của Chị qua các vấn đề trên là tiếng nói thấu tình, đạt lý. Vì thế, mỗi bài viết về thể loại như vầy thường được báo điện tử, website và blog khác đăng tải lại, trong đó Quê Choa blog cũng là một trong những nơi rất hay “đồng thanh tương ứng” với Chị.
“Nhân ngày tám tháng ba, tôi thiết tha đề nghị bà chủ tịch Hội, với tấm lòng bao dung của người bà, người mẹ trước những lỗi lầm của con trẻ, hãy bổ sung vào các hoạt động kỷ niệm một tiếng nói yêu cầu thực thi công lý cho hai cháu Hằng và Thúy. Xin hãy dừng lại phiên “xử kín”, để cho hai cháu được công khai nói hết sự thật trước tòa. Kẻ có tội nhất định phải chịu sự trừng phạt công minh của Pháp luật. Xin trân trọng cảm ơn bà.” Trích trong “ Thư ngỏ gửi Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam”. Nhiều tiếng nói trả lời thư ngỏ này, tôi rất tiếc là không có tiếng nói của người nào gọi là người có trách nhiệm, vì vậy, tôi gọi những bài viết này là “ Cãi nhau với thinh không”
Thanh Chung của tôi cũng thật dịu dàng, đây là một bài thơ của Chị:
Tháng tư về rồi anh có nhớ không
Có một người vẫn đợi quà sinh nhật
Nửa trời em - xuân còn lạnh lắm
Đào vừa kịp nở hoa

Tháng tư về thêm một tuổi đi xa
Thêm một tuổi cộng vào miền ký ức
Cóp nhặt yêu thương, khát khao hạnh phúc
Đêm chông chênh - hai phía không người

Ve đầu mùa day dứt tháng tư ơi
Điều chưa nói, không còn mong nói nữa
Mưa giận dỗi những chiều quay quắt nhớ
Đêm trở mình, thêm một tháng tư qua.

New York - tháng 4/2008


          Trong bài thơ trên, Thanh Chung của tôi như bao người phụ nữ khác, khát khao hạnh phúc bình dị bên Anh, với những dỗi hờn và thương nhớ. Chông chênh ở phía không bóng người. Thế nhưng, Chị cũng là một phụ nữ ít chị em sánh kịp. Vượt qua nhiều cuộc thi, nhiều đối thủ để trở thành nhân viên Chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, rồi thi và trở thành nhân viên tại cơ quan Liêp Hiệp Quốc ở New York, đó là việc khó ngoài sức tưởng tượng của tôi và Chị khiến tôi tự hào. Thanh Chung thạo hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Chị từng là giáo viên ngoại ngữ tiếng Pháp.
          Sanh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ là cán bộ kháng chiến. Bố mẹ đều mất sớm. Chị Hương, người chị cả trở thành “mẹ” của cô em út Thanh Chung ở cái thời tóc đầy chấy, người đầy rận và đói khát từ bát cơm đến hơi ấm yêu thương. Kể một chút để hiểu được con đường Thanh Chung đi qua là một con đường đầy khổ ải, muốn vượt phải có một nghị lực hơn người và kiên trì đến khó tin. Vậy mà Thanh Chung đi được, đi từng bước và đi vững vàng.
          Tôi nhớ tháng sáu 2010, tại đường Paster SàiGòn, trong một gian phòng dành cho cán bộ của Cục Đường thủy, chúng tôi nằm bên nhau nói nhiều thứ, nói xuyên đêm. Nói từ văn chương sang đến con người. Nói từ các nhân vật lừng lẫy trên Thi đàn, Văn đàn đến những cây bút chúng tôi vừa làm quen. Thanh Chung có các ý kiến chuẩn xác về chữ, nghĩa, có những so sánh khó bác bỏ luận cứ, nhân vật và cũng có những nhận định “chết người”, Chị nói: Những cây bút nước mình đa phần viết bằng kinh nghiệm sống, họ rút hết các kinh nghiệm thì không còn gì nữa. Họ rất ít cơ hội để viết chuyên nghiệp, nghĩa là không nghĩ đến các vấn đề cơm áo, suốt đời chỉ chăm chắm vào chuyện văn chương và làm việc có giờ giấc chứ không sáng tạo theo cảm hứng như hiện nay, có như thế, họ mới đào sâu hơn nữa các vấn đề về con người, về nhân bản, về mưu cầu, về ý nghĩa, về quyền lợi vv và vv. Chị là một tay nghiện sách. Trong valy, túi xách của Chị lúc nào cũng có một quyển sách. Trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam chị ngấu nghiến xong vài tập truyện ngắn, sau chuyển thành quà cho tôi. Từ đó, có thể hiểu cái tâm của chị đối với văn chương, viết, lách.
          Một bài viết ngắn ngủi khó nói đầy đủ về Thanh Chung. Tôi rất thích câu này trong “quà sinh nhật” của nhà văn Phan Đình Min: “ Viết về Thanh Chung thích dừng ở đâu thì dừng” vì nói hết, khó mà hết. Vì vậy, bài viết này của tôi là một mẩu bánh góp vào chiếc bánh sinh nhật dành tặng Thanh Chung.
          Tôi đã yêu tháng Tư, yêu ngày 24, ngày này chỗ tôi ở rực tím những ngọn đuốc hoa bằng lăng, chúng gợi nên bao đều tha thiết, và chúng nhắc tôi nhớ về người bạn Thanh Chung ấm áp trong ngày sinh của Chị.

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

NGUYỄN VẠN AN VỚI BÀI THƠ "ĐỂ KHOE CHO HẾT"

"Bài này của Đãi Trăng mà đòi dịch thì quả là liếu lĩnh. Nhưng mà trời sanh ra như vậy, không đổi được..." NVA

 (ảnh minh họa)
  

ĐỂ KHOE CHO HẾT

Khi yêu thương bỏ ta đi

Nhân gian hóa thạch những gì đang hương



Đóng đinh lên vách linh hồn
Treo trong thân xác nỗi buồn váng rêu


Đục lòng cho rỗng để kêu
Bùm, beng chiêng trống. Người theo chân người


Nhe răng ra đếm nụ cười
Để khoe cho hết, một  đời rỗng không.




Nguyễn Lâm Cúc
POUR VANTER JUSQU'AU BOUT

Quand l'amour nous quitte
On nous transforme
Tout ce qui est parfum
En granite

Un clou je plante
sur ma muraille d'âme,
A mon corps, j'accroche
ma désespérance
vêtue d'écume

Je fore mon coeur jusqu'au vide
pour qu'il résonne
Gong et tambour se déchaînent,
Les hommes se suivent
à la file

Exhiber ses dents
compter ses rires
pour vanter jusqu'au bout
une vie
creuse.


Dịch : Nguyễn Vạn An

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

PHAN CHÍ THĂNG ĐỌC THƠ LÂM CÚC

Tôi bắt đầu đọc Lâm Cúc từ bên BlogViet. Khi cả làng di cư sang vnweblogs năm 2007, tôi tiếp tục đọc nàng. Rồi tôi vượt mấy ngàn cây số, lên tận Đức Linh – Bình Thuận tìm gặp nhà thơ, ăn bữa cơm canh cá với Lâm Cúc và vài người bạn, xin được một cuốn Đãi Trăng kèm theo lời thì thầm của tác giả: “Em chỉ còn có một cuốn này thôi…”
 

Chụp ảnh kỷ niệm trước khí chia tay Đức Linh. 2007

Bên cạnh Phạm Dạ Thủy nữ tính theo kiểu truyền thống, Võ Kim Ngân đằm thắm thiết tha, Vũ Thanh Hoa bùng nổ đam mê, Huỳnh Thuý Kiều mới lạ đâm chồi, Tóc Nguyệt đa mang suy tưởng, Hoàng Thanh Trang đột phá tìm tòi, Mắt nâu chân dài thổn thức yêu đương, Đặng Mỹ Duyên tơ vò đắm đuối…cùng nhiều cây viết nữ bloggers khác, Lâm Cúc là một hiện tượng khác biệt.
Lâm Cúc làm thơ như người đàn bà sinh nở. Đớn đau quằn quại. Chính vì thế mà thơ nàng không nhiều, cho đến nay mới xuất bản vỏn vẹn có mỗi một tập Đãi trăng không dày dặn. Một người bạn yêu thơ Lâm Cúc nói rằng thơ in ra hình như nhiều chỗ bị sửa, không hay bằng nguyên bản.
Lâm Cúc không cãi. Nàng không thuộc thơ mình. Việc thuộc thơ Lâm Cúc là dành cho người khác.
Các nhà thơ nữ thường viết thơ yêu. Yêu và được yêu. Hết yêu hoặc hết được yêu. Nồng nàn thắm thiết vụng dại đắm đuối si mê... Có thể có đau nhưng là cái đau của tình yêu nam nữ. Nhưng chưa ai viết thơ đau như Lâm Cúc.
Trong bài “Lòng ta”, Lâm Cúc tự bạch:
Có những lúc ta ngồi như đá núi
Trầm mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời
Lòng thương ta, lòng khe khẽ nói
Ôn ào ngoài kia cũng là chốn không lời.
Ta vỗ về lòng,
Đừng đau nữa lòng ơi !
 Nàng thừa nhận là mình đau. Vì sao đau? Đó là vì:
 Mồ côi
 Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!
Lột bỏ mọi vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!
Tôi ôm hồn ngồi khóc
Chợt hiểu hồn mồ côi!
Cái đau của Lâm Cúc là cái đau khi thấy nhiều người không muốn hoặc muốn mà không được sống làm người với đầy đủ ý nghĩa của hai từ làm người. Nàng lấy mình ra để nói thiên hạ.
Thậm chí trước cảnh một đôi nam nữ hẹn hò, họ đang ngập tràn hạnh phúc mà Lâm Cúc vẫn sợ một nỗi đau sẽ đến với họ:
Người ta hẹn hò, mà lòng tôi cứ rưng rưng
Mà đứng ngồi cứ vô hồi xao xuyến
Liệu người ta có buồn lúc đưa tiễn?
Liệu người ta có đau lắm! Liệu người ta...
(Vô cớ)
Lâm Cúc ít khi viết dài. Nhiều bài thơ ngắn hoặc rất ngắn.
Nó ngắn như một cái dằm, cứ cắm vào da thịt người đọc, làm người ta cứ đau hoài, day dứt.
Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và rất nhiều nhà thơ khác viết về biển. Họ ví đôi tình nhân như bờ với biển, như thuyền với biển. Biển hùng vĩ và bao la luôn là đề tài bất tận của các thi nhân. Lâm Cúc cũng viết về biển, nhưng rất ngắn và không giống ai:
Kìa biển
Bao la
Xanh thẳm
Rạt rào
Sẽ ra sao
Một mai anh khát
Biển dường kia
Không uống được giọt nào?
Một logic bất ngờ. Một cách thể hiện tình yêu rất lạ. Yêu anh và lo cho anh một ngày nào đó sẽ khao khát vô vọng. Tứ thơ rất đàn bà và rất Lâm Cúc.

Lâm Cúc có bài thơ “Để khoe cho hết”
Khi yêu thương bỏ ta đi
Nhân gian hóa thạch những gì đang hương
Đóng đinh lên vách linh hồn
Treo trong thân xác nỗi buồn váng rêu
Đục lòng cho rỗng để kêu
Bùm, beng chiêng trống. Người theo chân người
Nhe răng ra đếm nụ cười
Để khoe cho hết, một đời rỗng không.
Câu thơ “Đục lòng cho rỗng để kêu” là một câu thơ đau tuyệt vời!
Còn:
Nhe răng ra đếm nụ cười
Thì quả là đỉnh điểm của chua chát?
Nghệ thuật thơ Lâm Cúc là nghệ thuật hình ảnh của ngôn  từ. Ngôn từ đậm đặc. Hình ảnh dữ dội.
Tối rất thích bài “Tháng ba”:
Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng
Gió chướng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.
Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.
Mỗi câu là một hình ảnh. Ngoài sự dữ dội, nó còn rất khoáng đạt. Thật bất ngờ khi gặp sự khoáng đạt nơi một nhà thơ nữ.
Đau cho mình, đau cho đời, Lâm Cúc thể hiện nỗi đau đó trong thơ. Nhưng ở ngoài đời sống thực, nàng cô đơn. Nàng phải tìm đến trăng để giải bày tâm sự:
 Đãi Trăng
Hôm nay nhàn, ta mở tiệc mời Trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống!
Rót lặng thinh vào vô biên độ lượng
Đêm giang tay trên thập tự mênh mông.
Này Trăng
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Trăng có gì riêng mà trầm tư chẳng nói?
Cứ xa xăm, cứ lẳng lặng bên trời.
Cạn ly nhé,
Sông có vơi cũng mặc
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.
 Bứt ra khỏi hiện thực, nhà thơ vẫy vùng trong mơ. Nàng cho phép mình đại ngôn, mang cả dòng sông ra để uống. Nhưng vẫn thấy đêm chỉ là một cái thập tự mênh mông!
Tưởng là đãi trăng, nào ngờ nàng thổn thức:
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Khi phải thốt lên “Ta cũng có một tấm lòng”, thi sỹ khóc nhiều hơn là cười?
Nhưng vẫn cười:
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười
Ta gặp lại ở Lâm Cúc bóng dáng những nhà thơ - nhà nho bất đắc chí, khóc với đời, khóc cho đời và cất lên tiếng cười ngạo mạn. Đời này có mấy ai biết khóc như ta?
Ai quen Lâm Cúc hẳn đều luôn được nghe tiếng cười “ha ha” của nàng qua điện thoại. Nghe tiếng cười đó, không ai nghĩ Lâm Cúc là một nhà thơ đau.
Thơ Lâm Cúc không rơi vào cái tầm thường nhi nữ, không sụt sùi nhớ nhớ thương thương, không oán giận hờn ghen vun vặt.
Nàng lặng lẽ “đảo chính” trong thơ. Thơ nàng muốn vuơn đến những giá trị mới, phủ định những cái sáo mòn cũ kỹ, vô vị.
Nhưng không phải lúc nào Lâm Cúc cũng đau. Có những lúc nàng thanh thoát, tự nhiên, nhẹ nhàng như chính bản chất con người nàng, như chính cái điều mà nàng khao khát:
Chiều quá buồn
Chút nữa e là mưa
Cây nhớ người
Cành lá rũ ngẩn ngơ
Dáng ai giờ
Bụi sương giăng mờ che
Áo thu
Trời
khoác cả sang hè.
(Cây nhớ người)
Bài thơ giàu nhạc điệu. Hồn thi sĩ trải rộng, hòa quyện với thiên nhiên mùa thu.
Tôi yêu quý nhiều nhà thơ nữ mà tôi quen biết. Lâm Cúc, người đang sống và làm việc ở một huyện miền núi xa lắc của Bình Thuận, có một vị trí rất đặc biệt trong số họ.
Lâm Cúc viết không nhiều. Nhưng bài thơ nào của nàng cũng thuộc loại “chết người”!
Ngày đầu năm 2011, tôi loay hoay viết bài này. Viết xong vẫn không biết mình đã trả được món nợ mấy năm rồi hay chưa?

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

HỌC TRÒ TRƯỜNG THUỐC

 My photo


Hắn tên là Tản,chữ đệm là Bá, Họ là Huỳnh. Họ, tên đầy đủ để điền vào các loại giấy tờ là Huỳnh Bá Tản.
Riêng cái họ "Huỳnh" này, theo kinh nghiệm của tôi - một người đã từng bôn ba khắp hai miền Nam Bắc, thì có thể đoan chắc rằng, hắn là dân Nam Bộ chính cống, quê hắn ở Sài Gòn, hoặc Lục Tỉnh gì đó. Hắn không nói và tôi cũng chẳng dại gì mà hỏi, bởi lẽ nếu hỏi, lỡ hắn tưởng tôi muốn vào thăm quê hắn, hắn lại có lời mời thì khốn! Bình thường được người ta mời thì sướng quá đi chứ! Nhưng xin quí vị hiểu cho: riêng tiền mua vé máy bay khứ hồi cũng đã cứa đứt gần hết tháng lương hưu...còm của tôi, lại còn bao nhiêu thứ kèm theo nữa chứ. Ai cũng thế thôi, Nhà nước trả lương hưu cho anh để anh sống nốt quãng đời còn lại ở tại chỗ. Khi anh về Thế giới bên kia ( bây giờ người ta gọi là Thế Giới Tâm Linh ), Nhà nước trả nốt tiền Tuất cho gia đình anh thế là hết nợ! chứ có đâu mà để cho anh đi đây, đi đó!

Hắn bao nhiêu tuổi tôi cũng chẳng biết, vì hắn không tông tốc khai báo trên Avatar như tôi! Nhưng tôi cũng đoán được tuổi của hắn thoả mãn bất đẳng thức toán học sau đây:

                                40 < Tuổi < 50
Sở dĩ tôi lập được biểu thức trên là căn cứ vào cách hắn xưng hô với tôi, một điều "thưa bác" hai điều "học trò". Khi hắn xưng hai chữ "học trò", chẳng dấu gì quí vị, tôi sướng rên lên, sướng lắm! sướng rất lâu vì được người như hắn tôn làm Thầy. Sướng đến nỗi tôi cứ đọc đi đọc lại comment của hắn để nhâm nhi cái vị...ngon của con chữ.
Nhưng đến một hôm tôi bỗng ngớ ra, lẩm bẩm một mình:
- Ơ! ơ! Mình một nghề, hắn một nghề, làm sao dạy được hắn mà đòi nhận làm thầy! Vả lại mình có dạy hắn ngày nào đâu?
Cứ thế ngồi lặng hồi lâu, trong đầu một tia chớp xẹt qua, tôi vỗ đùi đánh đét một cái rồi kêu to:
- Trúng rồi!          Cái điều tôi vừa nghĩ ra, đắc ý, cho là rất trúng ấy chính là hai chữ "học trò".
Học trò hắn vẫn dùng ở đây đúng là Công Tôn Sách thường xuyên xưng hô với Bao Công. Ai cũng biết  Công Tôn Sách là cánh tay phải, là trợ thủ đắc lực cho Bao Đại Nhân. Có thể nói Công tôn Sách là "tham mưu trưởng" là một phần bộ não của Bao Đại Nhân, đã giúp Bao Đại Nhân phá nhiều vụ kỳ án và xử lý rất đẹp nhiều tình huống gay cấn. Công Tôn Sách là con người học rộng, tài cao, rất thông minh, sáng suốt.
Trúng phóc hắn ví mình như Công Tôn Sách! cũng như Khổng Minh ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị!
Vậy là tôi hoàn toàn yên tâm, từ nay nghe hắn xưng "học trò" tôi không thấy ngượng nữa (vì biết chắc hắn là ai, và xưng hô không phải với mình); Nhưng thú thực, cái sướng vẫn còn...râm ran.
Tôi lờ mờ biết được ( nhưng lại cho là chắc chắn ) rằng hắn sinh trưởng trong một gia đình trí thức khá giả. Ba mẹ hắn đều là những người Tây học, rất tân tiến, nhưng lại dậy dỗ hắn bằng cái lễ giáo Phong Kiến cổ lỗ đã hàng nghìn năm. Bởi vậy hắn hoàn toàn thiếu tự nhiên, đi đứng thì khoan thai, đĩnh đạc, nói năng thì lễ độ, một điều thưa, hai điều gửi. Làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo, không dám làm điều ác còn để lại cái đức cho...cháu nội, cháu ngoại của ba, mẹ hắn. Tôi có cảm giác hắn bị gò vào khuôn phép như người ta gói bánh chưng hoặc gói giò ngày Tết. Người hắn được ghép lại bởi các khối vuông vắn, tròn trịa. Lắm lúc tôi thấy thương hắn, vì hắn thật không may, giá như cứ sinh trong một gia đình bình thường, thí dụ như bố mẹ bỏ nhau, không nhìn gì đến con cái, có phải hắn tự do đi bụi, muốn giao du với ai, muốn làm gì thì làm, chẳng phải học hành gì hết, đêm đêm ra cầu chữ Y nằm thoải mái ngắm sao trời ( bây giờ người ta gọi là khách sạn nhiều sao ) có phải sướng bao nhiêu không? hắn thật khổ quá!

Hắn càng khốn khổ nữa vì ba, mẹ hắn bắt hắn nhồi nhét bao nhiêu thứ vào đầu, ngoài chuyên môn còn Đạo đức học, Dân tộc học, Xã hội học, rồi Văn học, Triết học, Âm nhạc...
Ra trường, bẩy năm liền, hắn đi đâu cũng có xe còi hụ, các xe khác phải dạt sang bên tránh đường cho hắn đi. Hẳn có vị sẽ bảo rằng ranh con mới nứt mắt mà sao đã như Nguyên Thủ Quốc Gia được? Xin các vị chớ vội lầm! hắn học ngành Y, tốt nghiệp Bác Sĩ, người ta điều động hắn vào Trung tâm cấp cứu 115. Thời gian này Tử Thần căm hắn lắm, bởi đã giật khỏi tay ngài ấy bao nhiêu nhân mạng. Càng căm nữa vì không làm gì được hắn!

Về Viện, hắn trở thành Bác sĩ giỏi vào hàng nhất, nhì. Nhưng cũng từ đây mới hé lộ ra nhiều chuyện lạ, khiến tôi nghi ngờ. Mối nghi ngờ ấy càng ngày càng tăng, mình tôi không sao lý giải, tôi cứ trình bầy ra đây xin quí vị trợ giúp xem sao:
Thứ nhất, tôi thấy ai cũng gọi hắn là "Mẹ hiền"

Sao lại thế nhỉ? hắn là đàn ông chính cống kia mà? chắc chắn hắn không phải là "Gay" vì hắn đã có vợ có con. Hay là hắn...lưỡng tính? Tôi vẫn thường xuyên xem đủ các loại báo, chưa thấy Thế giới có trường hợp này bao giờ ( xin quí vị đừng nhầm với vài ca "thai trong thai"). Hay hắn là người hành tinh khác đến? chính đây là "mối nghi ngờ càng ngày càng tăng" của tôi đã nói ở trên.
Xin quí vị theo dõi tiếp
Thứ hai, mồm hắn luôn lẩm bẩm hai từ "Y đức", hắn coi bệnh nhân cứ như người nhà, chăm sóc, chữa trị rất tận tình. Điều này không khó hiểu lắm, vì tôi phải nói ra một thực tế hiện nay là, sau khi phong bì đã nằm trong túi Bác sĩ, ngay lập tức bệnh nhân thành người thân! Nhưng đằng này, hắn kiên quyết lắm, không nhận phong bì bao giờ. Thậm chí có những bệnh nhân nghèo quá hắn còn cho tiền thuốc men, tầu xe đi về...

Vậy hắn sống như thế nào đây? vợ con, gia đình, nhà cửa, xe cộ...bao nhiêu thứ phải tiêu?
Tôi tưởng tượng ra là nhà hắn giầu lắm, bốn chân giường chôn bốn cục vàng to bằng cái can 20 lít. Ngoài vườn (không biết nhà hắn có vườn không nhỉ?) chôn đầy các hũ vàng...Sau rồi thấy mình viển vông quá tôi lại quay sang...người ngoài hành tinh.
Hắn nói năng, xưng hô với bệnh nhân rất nhẹ nhàng, dịu dàng, khác hẳn vói nhiều Bác sĩ khác quen dùng...độc từ hoặc rất ngắn gọn và to như tiếng quát cho bệnh nhân dễ hiểu và...nghe rõ.
Tôi được vài người bạn kể lại rằng có lần ngồi với hắn trong quán, cứ thấy Di động cuả hắn réo liên tục, tất nhiên hắn phải trả lời liên tục. Có một cuộc  chắc là bệnh nhân nhí, thấy hắn cứ một điều: Con thấy trong người thế nào? Con phải làm thế này, thế kia rồi con uống thuốc này, thuốc kia...
Họ khen hắn nức nở, bảo hắn đúng là mẹ hiền. Riêng tôi lại nghĩ khác, con là con của người ta, không phải con hắn đẻ ra mà cứ nhận vơ, nhận váo, rõ dơ!
Thứ ba, Hắn đi làm hay đi trực xong là về thẳng nhà không la cà nhậu nhẹt
( trừ trường hợp đặc biệt ). Về đến nhà cơm nước xong, kèm cặp con cái học hành rồi chúi mũi vào trang Blog. Hắn không hề có phòng khám tư, hoặc cộng tác với phòng khám tư nào. Nếu có dịp mời các vị trong ấy ra Hà Nội mà xem, ngay đối diện với Bệnh Viện Bạch Mai ( rất gần nhà tôi ) là một dãy các phòng khám, chiều dài cũng gần bằng chiều dài Bệnh Viện. Các Bác sĩ danh tiếng của Viện hầu hết có tên ở đây. Tôi không dám trách gì họ bởi lẽ có nhiều lý do họ phải "làm thêm" ở đây. Có trách chăng khi họ "chân  ngoài dài hơn chân trong."
Tôi cũng xin tiết lộ một chi tiết để quí vị biết, đó là nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nọ, tôi vào trang hắn chúc mừng và gửi tặng hắn bài thơ của tôi nhan đề " Lời thề Hypocrat ". Nội dung bài thơ tôi nói về một bác sĩ lúc mới ra trường mang theo bao ước mơ hoài bão, mang hết tâm huyết vào việc chữa trị bệnh nhân, cứu được bao nhiêu người, làm được bao nhiêu việc lớn. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy anh. Khi anh đã có vợ con, bao nhiêu vấn đề đặt ra như nhà cửa, học hành của con cái, xe cộ, nhu cầu cuộc sống càng tăng khiến anh phải nhận phong bì, gạt Y đức sang bên, tiến tới sách nhiễu, bỏ mặc bệnh nhân nghèo...Mục đích tôi muốn nêu lên một thực trạng đau lòng hiện nay, và cũng là để ca ngợi hắn, vì hắn khác hẳn nhiều đồng nghiệp.  Không ngờ lại phản tác dụng! hắn có vẻ giận lắm, bảo thẳng tôi là đừng có nhìn nghề nghiệp của hắn bằng con mắt như vậy, không phải Bác sĩ nào cũng thế! Tôi ra sức thanh minh là tôi không vơ đũa cả nắm, chỉ nói điều có thực. Vậy mà hắn gần như từ tôi, mãi tôi mới làm lành được...

Hay là hắn bị thần kinh?
Nhìn trên Avatar của hắn, phía dưới ảnh, tôi thấy có dòng chữ:
Hoctrotruongthuoc

Stresss.s..s...s.....
Lúc đầu tôi cũng nghi, nhưng nhìn ảnh hắn thì trông chẳng có vẻ gì là thần kinh cả, hơn nữa, các bài viết của hắn sắc sảo lắm ( nhiều nhà văn có thẻ đã khen ). Hắn cũng mới nhập góc Đường Luật, một vài bài đầu còn "lởm khởm" nhưng sau đó các nhà Đường Thi lão luyện như Lê Khả Sỹ, Hồ Văn Thiện, Đông Hoà-Nguyễn Chí Hiệp, Hoa Huyền...đều khen nức nở. Như vậy chắc chắn không phải thần kinh!

Tôi lại quay về giả thuyết người ngoài hành tinh...
Ở Hà Nội tôi đã nghe có tin đồn là có một số vị Bác sĩ cũng giống như hắn, đề cao Y đức, cái tâm rất sáng, hết lòng chữa trị, thương yêu bệnh nhân như người thân trong gia đình, trợ cấp, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo...Tôi chẳng phải là phóng viên báo nào ( chỉ là cộng tác viên ) nhưng chắc bị nhiễm hội chứng phóng viên, nổi máu muốn làm một phóng sự điều tra, đã cất công đến những chỗ đó. Nhưng có lẽ Hà Nội bây giờ quá rộng, ôm trọn cả tỉnh Hà Tây, nên lúc tôi tới nơi thì, hoặc các vị ấy vừa đi thăm bệnh nhân, hoặc đang đi công tác, hoặc đang ở nước ngoài...May mắn có vị đang ngồi trong phòng khám, nhưng bên ngoài bu kín đến mấy chục người chờ đợi. Thấy tôi có vẻ lấm lét đi qua, đi lại, hàng chục cặp mắt nhìn tôi nẩy lửa, chắc họ sợ tôi chen ngang. Lỡ tôi có đẩy cửa bước vào, ngần ấy người, dù có ốm yếu, nhẩy xổ vào một mình tôi thì thua là cái chắc! Thôi chả dại, tôi...lỉnh luôn.

Vậy là tôi chưa hề gặp vị nào giống hắn! giả thuyết người ngoài hành tinh càng đứng vững!
Tôi cũng đã xem Ti Vi và nhiều loại báo, trước đây người ta mô tả những người ngoài hành tinh nhỏ thó, gầy guộc, da xanh lét, mặt hình tam giác, hai mắt lồi ra như hai đèn pha. Nhưng vài năm gần đây, có người ở Trái đất đã gặp, mô tả lại, thì họ là những người giống chúng ta nhưng cao to, rất đẹp. Điều này tôi thấy có lý, vì họ ở hành tinh khác phát triển hơn chúng ta, nên hình dáng phải hoàn thiện hơn, và tất nhiên là thông minh hơn nhiều. Ngắm kỹ ảnh hắn tôi thấy hội đủ các tiêu chuẩn: đẹp trai, cao trên 1,7m nặng trên 70kg . Thông minh thì các vị biết rồi.

Có một chi tiết quan trọng suýt nữa tôi quên: Máu của người ngoài hành tinh màu xanh chứ không phải màu đỏ như của chúng ta.. Tôi ở cách hắn đến gần hai nghìn cây số không làm sao biết máu hắn màu gì. Tôi tha thiết nhờ quí vị, bằng cách nào đó ( quí vị tự nghĩ, vì tôi tắc tị, nghĩ không ra ) xem máu của hắn có phải màu xanh không? Nếu có tin tức gì nhớ gửi ngay về địa chỉ:
Lê Trường Hưởng
15 Nguyễn An Ninh-Hà NộiMobile: 0912038634
Nhớ là máu màu xanh!


L.T.H.
- Lại có muỗi hả ông? Con cháu nội tôi ngồi học bài
  gần đấy quay sang hỏi.
- À...à...không...không...Tôi ấp úng vì hơi vô ý ảnh hưởng đến sự tập trung của cháu.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

VẪY TAY...



Trên một chuyến xe trở về

Tôi ngủ gà vịt vì mệt và vì thấy tiếc thời gian đang trôi qua lãng phí. Ngủ được chút nào hay chút ấy, tối có khi thức khuya chút mần gì đó bù lại. Nghe rất thuyết phục. Tiếng rên đau đớn vang lên rất gần, tôi đang mơ. Nhưng ai bị gì mà rên nhỉ? Ồ! Mơ thì tất nhiên là không có nguyên nhân rồi. Tôi tự nhủ thế và ngạc nhiên vì lần này mơ có nguyên nhân, hay chí ít là có thể khám phá bởi tiếng rên đau đớn càng rõ, hìng như ngay sau lưng tôi. Tôi choàng  mở mắt ngoái lại, một người đàn ông trẻ mặt vàng bủng đang ôm bụng nhăn nhó. Ồ...?
Cậu đau lắm sao?
Vâng.- Người đó gật đầu cố nén tiếng thở hổn hển trả lời- Đói bụng nữa.
Tôi hốt hoảng. Cậu đói à? -Vâng. Khát nước nữa.
Ôi sao lại thế. Tôi nhìn quanh, mọi ánh mắt đều xa lạ, nghĩa là không có ai đi cùng cậu ta. Hiểu ý, cậu ta nói tiếp. Em bệnh nhiều năm rồi, mỗi tháng đi bệnh viện một lần. Những lần trước còn ngưởi đi theo, lần này không đủ tiền. Em chẳng có gì để mua nước. Cậu ta như ngất đi sau khi nói.
May quá, tôi có một ổ bánh mì Kinh Đô mang theo mà chưa ăn, cả 1 chai nước khoáng Vĩnh Hảo nữa. Cậu ăn thứ này được chứ? - Người đó gật đầu đón nhận.
Cậu ăn đi. Tôi giục. Người đó ăn và ngừng rên nhưng khoảng 15  phút sau hay hơn thế chút ít, cậu ta lại rên. Lúc đầu rên khe khẽ, sau tiếng rên to hơn và nghe đau đớn vô cùng.
Cậu cố ngủ đi. Tôi nói, cậu ta gật đầu ngoan ngoản nhắm mắt nhưng chỉ im lặng được khoảng 1, 2 phút rồi vừa nhắm mắt vừa rên. Tôi đợi đến khi cậu mở mắt ra thì đưa cho cậu ta số tiền đang có, chỉ chừa 100 ngàn. Cậu ta nói cảm ơn, mắt sáng lên và bảo, chiều nay sẽ mua một bữa ăn thật ngon vì lâu rồi chưa được ăn bữa nào ngon.
Cậu ta xuống xe trước tôi. Nhưng khi cậu ấy đứng lên, tôi đưa nốt 100 ngàn còn lại. Cậu ta nói, cảm ơn cô nhiều lắm. Tôi thấy da gót chân người đó bong ra từng lớp như vảy. Móng tay vàng màu chết choc. Người bủng rệu, bụng to đùng.
Trưa nay, tôi nghe tin cậu trai kia đã chết chiều qua. Chợt nghĩ, một cuộc đời cay đắng làm sao! Cậu ta khốn khổ vì đau bệnh giày vò và đói khát cho đến phút cuối cùng.
Tôi vẫy tay giả biệt một kiếp người trong hư không.
NLC

"BƯNG CẢ DÒNG SÔNG MÀ UỐNG"

Trong đêm thơ Nguyên tiêu tôi được Lâm Cúc tặng tập thơ Đãi Trăng (Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam 2005 – 2006). là người viết ca khúc, ngoài phần nhạc tôi rất chăm chút ca từ nên thường đọc thơ để nghe nhạc điệu trong thơ và để ghi chép những ý thơ hay. Tôi đã được đọc thơ của Lâm Cúc và Mộng Dần cách đây hơn 20 năm khi công tác ở Hội văn nghệ Thuận Hải và thấy: Thơ của hai cô gái này có hồn, có hình, có tình, có ý… không rối rắm khó hiểu hoặc nối vần dàn trải như diễn ca. Lâm Cúc làm thơ đã lâu nhưng đến nay mới ra được tập thơ, phải chăng do sự cẩn trọng, khiêm tốn của một cô gái.

Tập thơ chỉ 72 trang 18x15 nhưng chứa đựng đến 59 bài thơ. Lâm Cúc làm thơ không theo thể cổ điển, mà theo thể thơ mới, nhịp điệu tự do phóng khoáng dựa theo cấu trúc 6/8 và 5 chữ của ca dao. Thơ trong Đãi Trăng ngắn, chắt lọc, dành cho suy ngẫm, đề cập đa dạng đến nhiều chủ đề, ghi nhanh những cảm xúc bất chợt từ biển trời, sông nước, gió trăng, mưa bão, cây cỏ, ngày đêm, từ những cây quân tử như tùng bách đến những sinh linh bé nhỏ như con chuồn chuồn, cả đi vào cõi tâm linh lên chùa, lạy Phật…

Qua thơ, tôi hình dung cuộc sống của nhà thơ không bình lặng, tâm tư bị xáo trộn, dằn vặt, tiềm ẩn trong dáng dấp bình dị bên ngoài của một cô gái nông thôn.

Vì tập thơ mang tên Đãi Trăng nên tôi lần mò đi tìm trăng trong thơ và tìm trong 7 bài có 14 con trăng, riêng trong bài Quân Tử đã có 5 con, còn trong bài Đãi Trăng chỉ có 2 con.

Lâm Cúc nói đến trăng nên tôi lại nhớ đến trăng trong thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940). Nhà thơ tài hoa yểu mạng này đã Chơi trên trăng, đã Rượt đuổi theo trăng, đã Ngủ với trăng, Nuốt trăng, Uống trăng cho bớt cái sầu, cái khát khi bóng trăng lả lướt gợi tình… và vì quá say trăng mà rao bán trăng: “ai mua trăng tôi bán trăng cho”, nhưng bán sao đành vì Trăng vàng trăng ngọc, cả đến việc liều mạng nhảy xuống giếng để vớt Trăng tự tử!

Lúc mơ trăng, Hàn Mặc Tử còn tưởng mình như chim phượng chim hoàng, bay lên chín tầng trời mổ cả trăng, sao để trăng, sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao thơ mộng. Với Lâm Cúc thì khác hẳn, Trăng là bạn, là hồn của thi ca, là khách quý của nhà thơ nên trăng được mời xuống mà uống “Rượu nước sông”, bưng cả dòng sông mà uống cho đã khát!

Trong thơ Lâm Cúc, không có trăng buồn mà trăng múa hát giữa chợ (Rong chơi), trăng đậu trên bãi lúa bội thu đầu mùa (Mơ), trăng hẹn thề (Quân Tử), gọi trăng xuống cùng nâng cốc để Tựa vào nhau và có lẽ đẹp nhất là bài thơ cuối cùng: Đêm, nói lên niềm khát khao hạnh phúc, cháy bỏng tình yêu, cũng như niềm vui ánh lên trên gương mặt giữa vùng bóng tối khi được ôm anh, úp mặt vào ngực anh mặc cho đêm dày và chung quanh lá đổ…
Nhạc Sĩ Huy Sô