Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

"BƯNG CẢ DÒNG SÔNG MÀ UỐNG"

Trong đêm thơ Nguyên tiêu tôi được Lâm Cúc tặng tập thơ Đãi Trăng (Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam 2005 – 2006). là người viết ca khúc, ngoài phần nhạc tôi rất chăm chút ca từ nên thường đọc thơ để nghe nhạc điệu trong thơ và để ghi chép những ý thơ hay. Tôi đã được đọc thơ của Lâm Cúc và Mộng Dần cách đây hơn 20 năm khi công tác ở Hội văn nghệ Thuận Hải và thấy: Thơ của hai cô gái này có hồn, có hình, có tình, có ý… không rối rắm khó hiểu hoặc nối vần dàn trải như diễn ca. Lâm Cúc làm thơ đã lâu nhưng đến nay mới ra được tập thơ, phải chăng do sự cẩn trọng, khiêm tốn của một cô gái.

Tập thơ chỉ 72 trang 18x15 nhưng chứa đựng đến 59 bài thơ. Lâm Cúc làm thơ không theo thể cổ điển, mà theo thể thơ mới, nhịp điệu tự do phóng khoáng dựa theo cấu trúc 6/8 và 5 chữ của ca dao. Thơ trong Đãi Trăng ngắn, chắt lọc, dành cho suy ngẫm, đề cập đa dạng đến nhiều chủ đề, ghi nhanh những cảm xúc bất chợt từ biển trời, sông nước, gió trăng, mưa bão, cây cỏ, ngày đêm, từ những cây quân tử như tùng bách đến những sinh linh bé nhỏ như con chuồn chuồn, cả đi vào cõi tâm linh lên chùa, lạy Phật…

Qua thơ, tôi hình dung cuộc sống của nhà thơ không bình lặng, tâm tư bị xáo trộn, dằn vặt, tiềm ẩn trong dáng dấp bình dị bên ngoài của một cô gái nông thôn.

Vì tập thơ mang tên Đãi Trăng nên tôi lần mò đi tìm trăng trong thơ và tìm trong 7 bài có 14 con trăng, riêng trong bài Quân Tử đã có 5 con, còn trong bài Đãi Trăng chỉ có 2 con.

Lâm Cúc nói đến trăng nên tôi lại nhớ đến trăng trong thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940). Nhà thơ tài hoa yểu mạng này đã Chơi trên trăng, đã Rượt đuổi theo trăng, đã Ngủ với trăng, Nuốt trăng, Uống trăng cho bớt cái sầu, cái khát khi bóng trăng lả lướt gợi tình… và vì quá say trăng mà rao bán trăng: “ai mua trăng tôi bán trăng cho”, nhưng bán sao đành vì Trăng vàng trăng ngọc, cả đến việc liều mạng nhảy xuống giếng để vớt Trăng tự tử!

Lúc mơ trăng, Hàn Mặc Tử còn tưởng mình như chim phượng chim hoàng, bay lên chín tầng trời mổ cả trăng, sao để trăng, sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao thơ mộng. Với Lâm Cúc thì khác hẳn, Trăng là bạn, là hồn của thi ca, là khách quý của nhà thơ nên trăng được mời xuống mà uống “Rượu nước sông”, bưng cả dòng sông mà uống cho đã khát!

Trong thơ Lâm Cúc, không có trăng buồn mà trăng múa hát giữa chợ (Rong chơi), trăng đậu trên bãi lúa bội thu đầu mùa (Mơ), trăng hẹn thề (Quân Tử), gọi trăng xuống cùng nâng cốc để Tựa vào nhau và có lẽ đẹp nhất là bài thơ cuối cùng: Đêm, nói lên niềm khát khao hạnh phúc, cháy bỏng tình yêu, cũng như niềm vui ánh lên trên gương mặt giữa vùng bóng tối khi được ôm anh, úp mặt vào ngực anh mặc cho đêm dày và chung quanh lá đổ…
Nhạc Sĩ Huy Sô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét