Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

TÔI YÊU NGÀY HAI BỐN THÁNG TƯ

Feb 2011 036

NLC
Dăm năm nay gần đây, trừ những lúc không thể lên mạng, còn nếu đã lên được mà không  “mò’ vào blog Thanh Chung thì giống như khát nước không thể uống. Thèm chết đi được. Hề hề.
Vào Thanh Chung, chắc chắn sẽ “thó” được một điều gì đó. Thậm chí còn có thể được thưởng thức “đặc sản bốn phương” mà Chị bất ngờ chiêu đãi một cách hào phóng. Như “CuBa Thiên Đường và Gian khó”, bài viết mới nhất của chị khi tôi gõ những dòng chữ này chẳng hạn. Chị đã trình bày về CuBa một cách gần gũi, chân thật. Một cái nhìn bình dị không bị méo mó qua bất kỳ lăng kính nào, bởi vì chị không có mục đích nào để “mị” người đọc. Một điều bình thường trong thông tin. Nhưng có lẽ, quá lâu bị bao bọc, bị bủa vây trong những thông tin rập khuôn, có mục đích bằng các “sáng tạo chi tiết, hoặc cắt xén đoạn khúc” theo ý đồ của tác giả, nhóm người  nên tôi và bạn khao khát những dòng thông tin chỉ đơn giản là chụp lại vấn đề một cách trung thực? “Mỗi hộ gia đình một tháng được phân phối vài chiếc đùi gà và hai vỉ trứng. Giá rẻ như cho không. Mua, bán thực phẩm ngoài chợ đen bị coi là phạm pháp. Nhiều công chức nhà nước mỗi ngày chỉ ăn một bữa chính vào buổi tối. Bữa sáng gồm vài lát bánh mỳ và một ly cà phê. Bữa cơm trưa được xếp vào hàng “xa xỉ”.” Đoạn viết này của Chị khiến tôi nhớ đến bà Duy, mẹ của Bình ở cạnh nhà tôi. Những năm 79, 80 của Thế kỷ trước, bà Duy buôn hàng chuyến Sài Gòn- Đức Linh và ngược lại. Khi ấy, Quản lý thị trường bắt từ hạt đậu xanh, đến ký thịt heo. Bà Duy đã bó những ký thịt heo vào đùi, vào bụng giả làm người đang có mang để lọt qua các chốt kiểm soát. Bà đã làm thế trong nhọc nhằn, đau khổ và cả cảm giác tội lỗi vì phỉ báng thức ăn, vì trot cất để thức ăn vào nơi “ô uế” mà người mua có khi dùng làm đồ thờ cúng. Những đồng tiền hổn hển đau đớn đó của bà nuôi Bình thành một ông nhớn ngày hôm nay. Những dòng viết của Thanh Chung, cũng gợi tôi nhớ đến một truyện ngắn trong tập “Thời Loạn” của nhà văn Hoàng Đình Quang, tôi không nhớ tên truyện, không nhớ tên nhân vật, chỉ nhớ họ đi qua cửa ngỏ kiểm soát Thị trường ở Long An vào SàiGòn. Anh cán bộ thị trường bắt một soong thịt heo kho với lý do nó quá 5ký cho phép. Người bị bắt năn nỉ, khóc lóc trình bày rằng đó là nồi thức ăn mang lên nuôi cha bệnh nằm dài ngày trong bệnh viện Chợ Rẫy. Vì nghèo khó mới phải làm thế cho đỡ tốn kém. Cán bộ vẫn khăng khăng thực thi nhiệm vụ (giá mà ngày nay cán bộ ai ai cũng cứ thẳng mực tàu như thế, rạch ròi cương quyết như thế, khi thi hành công vụ thì phúc cho đất nước, biết mấy) cương quyết bắt giữ nồi thịt kho. Người bị nạn nỗi cáu nói, thịt bắt thì bắt nhưng nồi trả lại. ( Hình như ngày đó chưa qui định bắt luôn phương tiện phạm pháp hay sao ấy) vì thế thịt mang đổ ra, còn nồi giả cho khổ chủ. Lên xe, nhà văn hỏi người mất thịt: Bố anh ốm gì? Anh kia nói, bố tôi có ốm đâu. Ai bảo bố tôi ốm? Thì tôi nghe anh nói thế với cán bộ lúc xin nồi thịt. Gã ấy cười hô hố, đó là điệp khúc xin xỏ thôi. Nồi thịt ấy là món hàng bỏ mối. Tiếc. Mất cả chục ngày công!
Ôi. Kẻ cắp bà già! Thời thế nó thế. Và có phải thời thế luôn sản sinh ra như thế?
          Hay như đoạn viết sau đây của Chị: “Phía trước tòa nhà “Quyền lợi Mỹ”, các bạn Cuba dựng lên 154 cây cột, Tượng trưng cho 154 nạn nhân bị khủng bố dưới bàn tay của Mỹ. Vào những ngày văn phòng này cho chạy những dòng chữ điện tử “khiêu khích”, kêu gọi tự do, dân chủ; Chính quyền Cuba cho kéo lên một rừng cờ đen. Một mặt để che kín những thông điệp do “kẻ thù” đưa ra. Mặt khác những lá cờ đen, dài rộng bay phần phật trong gió cũng tạo ra những hiệu ứng tâm lý đặc biệt với cả hai phía.”.
Tôi có lẽ đã hàng trăm lần đọc thông tin về đất nước CuBa anh em, nhưng đọc bài viết gợi suy nghĩ nhiều là bài của chị Thanh Chung là lần đầu. Tôi tự hỏi, sát biên giới với Mỹ sao CuBa lại thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nghèo khó đến như thế? Trong khi đó về sức vóc con người, dân Cuba to cao đâu kém bất kỳ dân tộc lực lưỡng nào trên thế giới? Họ lười biếng đến cùng cực, hay cơ chế của đất nước họ trói buộc nhân dân trong cái cơ cực của đạo hạnh thiên đường?
Một bài viết mà sau khi đọc xong khiến bạn phải loay hoay quanh nó nhiều giờ, khiến bạn phải cân, đong, đo,  đếm từ những vật phẩm nhỏ nhoi như bó rau, lạng thịt đến đất nước và con người thì bài viết ấy dứt khoát phải do một tác giả đủ có óc quan sát tinh tế, và bao quát. Đồng thời, tác giả phải có cái nhìn rất căn cơ với vấn đề con người sống để làm gì? Để mưu cầu hạnh phúc hay chỉ để ăn, sống và sống để ăn? Hay để hy sinh hoặc nhận những gì người hy sinh mang lại?
Có rất nhiều người bạn khuyên chị Thanh Chung đừng “cãi nhau” với thinh không nữa. Tôi lại nằm trong số những người thích “mục sở thị” bài viết gọi là “cãi nhau” của Chị. Mỗi khi đọc những bài viết này tôi không khỏi nghĩ thầm, Thanh Chung “cãi” như thế chắc ít “thầy cãi” nào dám đứng ra “tay đôi” cùng Chị. Bởi vì, vấn đề trong bài viết của Thanh Chung vừa rất cụ thể như “Lượm” của VTV, như “ anh Tô”, hay như “chuyện thầy Khoa”…nhưng đó cũng là những nổi cộm của tảng băng dư luận về các vấn đề xã hội, trong đó sự xuống cấp ý thức, văn hóa, đạo đức đã làm nhức buốt lòng người. Chị dùng cái chặt chẽ của con mắt nhà Kiểm toán để đo lường sự việc. Dùng cái tâm của người mẹ, người chị mà lên tiếng, dùng tấm lòng của người thích việc thiện mà san sẻ, dùng ngôn từ sắc như dao, nặng như đá núi để rạch đôi, chia nhỏ vấn đề ra xem xét tỉ mỉ sự sai, đúng qua các mặt cắt và có trách nhiệm khi lên tiếng. Tiếng nói của Chị qua các vấn đề trên là tiếng nói thấu tình, đạt lý. Vì thế, mỗi bài viết về thể loại như vầy thường được báo điện tử, website và blog khác đăng tải lại, trong đó Quê Choa blog cũng là một trong những nơi rất hay “đồng thanh tương ứng” với Chị.
“Nhân ngày tám tháng ba, tôi thiết tha đề nghị bà chủ tịch Hội, với tấm lòng bao dung của người bà, người mẹ trước những lỗi lầm của con trẻ, hãy bổ sung vào các hoạt động kỷ niệm một tiếng nói yêu cầu thực thi công lý cho hai cháu Hằng và Thúy. Xin hãy dừng lại phiên “xử kín”, để cho hai cháu được công khai nói hết sự thật trước tòa. Kẻ có tội nhất định phải chịu sự trừng phạt công minh của Pháp luật. Xin trân trọng cảm ơn bà.” Trích trong “ Thư ngỏ gửi Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam”. Nhiều tiếng nói trả lời thư ngỏ này, tôi rất tiếc là không có tiếng nói của người nào gọi là người có trách nhiệm, vì vậy, tôi gọi những bài viết này là “ Cãi nhau với thinh không”
Thanh Chung của tôi cũng thật dịu dàng, đây là một bài thơ của Chị:
Tháng tư về rồi anh có nhớ không
Có một người vẫn đợi quà sinh nhật
Nửa trời em - xuân còn lạnh lắm
Đào vừa kịp nở hoa

Tháng tư về thêm một tuổi đi xa
Thêm một tuổi cộng vào miền ký ức
Cóp nhặt yêu thương, khát khao hạnh phúc
Đêm chông chênh - hai phía không người

Ve đầu mùa day dứt tháng tư ơi
Điều chưa nói, không còn mong nói nữa
Mưa giận dỗi những chiều quay quắt nhớ
Đêm trở mình, thêm một tháng tư qua.

New York - tháng 4/2008


          Trong bài thơ trên, Thanh Chung của tôi như bao người phụ nữ khác, khát khao hạnh phúc bình dị bên Anh, với những dỗi hờn và thương nhớ. Chông chênh ở phía không bóng người. Thế nhưng, Chị cũng là một phụ nữ ít chị em sánh kịp. Vượt qua nhiều cuộc thi, nhiều đối thủ để trở thành nhân viên Chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, rồi thi và trở thành nhân viên tại cơ quan Liêp Hiệp Quốc ở New York, đó là việc khó ngoài sức tưởng tượng của tôi và Chị khiến tôi tự hào. Thanh Chung thạo hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Chị từng là giáo viên ngoại ngữ tiếng Pháp.
          Sanh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ là cán bộ kháng chiến. Bố mẹ đều mất sớm. Chị Hương, người chị cả trở thành “mẹ” của cô em út Thanh Chung ở cái thời tóc đầy chấy, người đầy rận và đói khát từ bát cơm đến hơi ấm yêu thương. Kể một chút để hiểu được con đường Thanh Chung đi qua là một con đường đầy khổ ải, muốn vượt phải có một nghị lực hơn người và kiên trì đến khó tin. Vậy mà Thanh Chung đi được, đi từng bước và đi vững vàng.
          Tôi nhớ tháng sáu 2010, tại đường Paster SàiGòn, trong một gian phòng dành cho cán bộ của Cục Đường thủy, chúng tôi nằm bên nhau nói nhiều thứ, nói xuyên đêm. Nói từ văn chương sang đến con người. Nói từ các nhân vật lừng lẫy trên Thi đàn, Văn đàn đến những cây bút chúng tôi vừa làm quen. Thanh Chung có các ý kiến chuẩn xác về chữ, nghĩa, có những so sánh khó bác bỏ luận cứ, nhân vật và cũng có những nhận định “chết người”, Chị nói: Những cây bút nước mình đa phần viết bằng kinh nghiệm sống, họ rút hết các kinh nghiệm thì không còn gì nữa. Họ rất ít cơ hội để viết chuyên nghiệp, nghĩa là không nghĩ đến các vấn đề cơm áo, suốt đời chỉ chăm chắm vào chuyện văn chương và làm việc có giờ giấc chứ không sáng tạo theo cảm hứng như hiện nay, có như thế, họ mới đào sâu hơn nữa các vấn đề về con người, về nhân bản, về mưu cầu, về ý nghĩa, về quyền lợi vv và vv. Chị là một tay nghiện sách. Trong valy, túi xách của Chị lúc nào cũng có một quyển sách. Trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam chị ngấu nghiến xong vài tập truyện ngắn, sau chuyển thành quà cho tôi. Từ đó, có thể hiểu cái tâm của chị đối với văn chương, viết, lách.
          Một bài viết ngắn ngủi khó nói đầy đủ về Thanh Chung. Tôi rất thích câu này trong “quà sinh nhật” của nhà văn Phan Đình Min: “ Viết về Thanh Chung thích dừng ở đâu thì dừng” vì nói hết, khó mà hết. Vì vậy, bài viết này của tôi là một mẩu bánh góp vào chiếc bánh sinh nhật dành tặng Thanh Chung.
          Tôi đã yêu tháng Tư, yêu ngày 24, ngày này chỗ tôi ở rực tím những ngọn đuốc hoa bằng lăng, chúng gợi nên bao đều tha thiết, và chúng nhắc tôi nhớ về người bạn Thanh Chung ấm áp trong ngày sinh của Chị.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét