Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

BÔNG CÚC RỪNG BÌNH THUẬN

(Đọc tập thơ ĐÃI TRĂNG – Nguyễn Lâm Cúc – NXB Hội Nhà Văn 2006)
 
Trần Quốc Toàn (nhà thơ)

Thơ Lâm Cúc – thứ cúc rừng Bình Thuận, hướng nội, nhiều tâm sự cá nhân. Nhưng Lâm Cúc, không lạm dụng cá nhân để riêng tư một cách cực đoan, dễ thành bí hiểm, nặng nề. Tâm sự trong thơ Lâm Cúc tự nhiên, nhẹ nhàng. Nhiều lời thơ thanh thoát như một ca từ, đọc rất thích:
Chiều quá buồn
Chút nữa e là mưa
Cây nhớ người
Cành lá rũ ngẩn ngơ

Dáng ai giờ
Bụi sương giăng mờ che
Áo thu
Trời
khoác cả mùa sang hè.

(Cây nhớ người)
Nhờ khoáng đạt, cởi mở như thế, tâm sự thơ chạm được tới thời sự cuộc sống, hòa vào thời cuộc. Trong “tâm” có “thời”, những tâm sự dù rất riêng tư của người làm thơ, vẫn mang tầm vóc xã hội.
Có thể tìm thấy trong bài Thương quá đen lai nỗi nhức nhối thời hậu chiến. Những ngang tắt của lẽ đời đã đưa dẫn xung khắc địch ta tới chỗ hòa hợp (về mặt sinh lý) huyết mạch của con người! Đứa Mỹ lai dù là thứ con rơi của một cuộc chiến thì vẫn là sinh mạng, vẫn bé bóng, đáng thương, vẫn là đối tượng của nỗi ước ao được đùm bọc, cưu mang: Bao giờ cho đến ngày xưa / để tôi lại cõng Đen khờ của tôi / Em đứa trẻ rớt bên đời / Tôi làm mẹ tuổi chín mười của đen. Nhức nhồi chưa, chiến tranh bắt một cô bé lên mười phải còng lưng làm mẹ. Nhức nhối chưa, khi cô bé lên mười kia cũng đã biết cuộc ra đời bất đắc dĩ của đứa con rơi mình cõng trên lưng: Người tôi cháy khét mùi phèn / Em từ trong vũng “đê hèn sinh ra. Nỗi nhức nhối cứ theo thời gian mà cắn rứt lương tâm người trách nhiệm: Bây giờ dạ, gấm, chiếu chăn / Làm sao tôi đắp cho em bây giờ / Tấm bao tải bọc ngây thơ / Đã không bọc được gió mưa lạnh lùng. Bài lục bát như một khúc ru buồn, cứ tích tụ những nhức nhối thời chiến để rồi nổ bom trong một ngày hòa bình, những tưởng chiến tranh đã thu móng vuốt: Trời ơi! Trời có hay không / qủa bom bi nổ đã trùm lên Đen / Ai cha em? Ai mẹ em / Ai gây chinh chiến Đen đền máu xương. Người làm thơ kêu trời trên cao kia rồi nhắc nhở đồng loại ngay bên mình: Người gieo những qủa bom bi / Biết không bom đã giết đi con mình. Nhà thơ nhắc “người” mà cũng là nhắc mình vì chữ “con” cuối bài liền mạch với lời tự xưng, “tôi làm mẹ” đã được xác quyết ngay đầu bài. Với cấu tứ như thế, để lên án chiến tranh xâm lược, Lâm Cúc đã tổ chức được trong thơ mình một tòa án lương tâm.
Nhưng tâm sự thường trực hơn trong ĐÃI TRĂNG là nỗi âu lo về cái khó của việc làm người trong hiện tại hôm nay khi con người đang mải làm giàu, làm giàu đang được khuyến khích. Mải làm giàu, người ta làm héo cây ngô đồng một biểu tượng tình ái trong dân ca Việt: Chen nhau xuống phố kiếm tiền / ngày đi hối hả bỏ quên luống cày / phố phường mưa bạc, gió day / người về ngó ruộng tiếc cây ngô đồng (Tiếc cây ngô đồng). Mải làm giàu rồi mải hưởng thụ, người chồng say, đánh đắm người vợ một thời tỉnh táo của mình: Chị tôi tay tự trói tay / Ô hô cái kiếp chồng say ơ hờ / Ao nông mà chẳng thấy bờ / Chị ơi lội đến bao giờ cho qua…trong cái ao tù kia, một ngày của người vợ tội nghiệp là một ngày dài bắt đầu với những khổ sai tần số cao – 5 thanh trắc công việc trong dòng lục bát nặng nề chỉ có 1 thanh bằng, và kết bằng vết cắt đứt ruột, bằng một chữ đã có từ thời truyện Kiều: Quần quật giặt, giũ, dọn, đơm / Mờ sương quẩy gánh đoạn trường tận khuya (Ca dao buồn). Chính người say ấy một lần khác: Anh về mang bão về theo / Bàn nghiêng, ghế đổ, chó mèo lánh xa / trẻ con khép nép góc nhà / Em qua hàng xóm núp nhờ qua cơn… để rồi Bếp tình lạnh ngắt ngồi nhen / Phập phù thổi gió bay lên tro tàn (Bão). Âu lo rồi an ủi! Và trên hết, người phụ nữ trong thơ Lâm Cúc tìm ra cách thức mềm mại những bề bỉ để giữ người của mình, cách thức ấy được chấp nhận, mong chờ:
Nhớ chiều nhóm bếp nghe em
Để anh nhìn ngọn khói lên anh về
Vào ra giữa chốn hội hè
Mong manh níu sợi khói quê làm người

(Xin em)
Cả tập ĐÃI TRĂNG nối dài tâm sự về chuyện “làm người”, dòng tâm sự giàu nữ tính và nhạc tính.
T.Q.T.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét