Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

HỒ TĨNH TÂM LỤC BÁT CỦA NGUYỄN LÂM CÚC


minh họaXưa nay Nguyễn Lâm Cúc vẫn lấy trăng đãi người, nhưng lần này chị đã đãi tôi một tiệc thơ lục bát. Đọc xong thấy thích, HTT mạn phép tác giả post lên đây hầu bạn đọc.

Làm thơ lục bát vừa dễ vừa khó. Dễ̀ là vì người Việt ta ai cũng vỏ vẻ biết chút đỉnh về thơ lục bát, thấm nhuần lục bát trong máu từ thuở còn nằm nôi. Khó là bởi phải làm sao cho thể thơ truyền thông cổ điển này mới hơn, hòa nhập hơn trong dòng chảy thơ ca hiện đại.
Tôi không dám nói chùm thơ lục bát này của Nguyễn Lâm Cúc hoàn toàn mới, nhưng rõ ràng là từng bài, từng bài một, vẫn hội nhập được với thơ hiện đại, vẫn có cái tình, cái ý riêng của Nguyễn Lâm Cúc.

Thôi thì để bạn đọc tự đọc, tự thẩm định lấy vậy. HTT cũng chỉ vui vui vì được tặng thơ mà giới thiệu và góp chút đỉnh gọi là bàn luận lương sương cho vui.
Xin chúc mừng Nguyễn Lâm Cúc thơ càng ngày càng hay!
HTT


CA DAO BUỒN
Chị tôi tay tự trói tay
Ô hô! Cái kiếp chồng say ơ hờ...
Ao nông mà chẳng thấy bờ
Chị ơi lội đến bao giờ cho qua?..
Thân làm cây chuối trổ hoa
Cho người đốn gốc rồi ra bẻ buồng
Quần quật giặt giũ, dọn, đơm
Mờ sương quảy gánh đoan trường mà đi!
Ai người đợi chị tôi về?
Thương đôi guốc mộc chưa hề chạm chân.
Hai tay xơ xác phong trần
Đưa ra năm ngón khô dần cả năm.
Lời bình: “Ca dao buồn” là một bài thơ lục bát chân chất, chân tình, mộc mạc, nhưng đọc rồi thì sẽ bị ám ảnh bởi những kỷ niệm, những hồi tưởng đầy chất thơ của nó.
Bài thơ mở đầu với âm hưởng của thán từ, nghe vừa vui, vừa đau, vừa như “bị” tự cảnh tỉnh (hay được cảnh tỉnh):
Chị tôi tay tự trói tay
Ô hô! Cái kiếp chồng say ơ hờ...
Liền đó, hình ảnh thơ vụt hiện một thân phận- xem ra vừa chua xót vừa ngậm ngùi. Nó như thể đang nung lên nỗi buồn của đứa em về cuộc đời long đong lận đận của người chị, dường như đã lỡ cả một đời, khó mà gượng đứng dậy, khó mà dám vứt bỏ để vượt qua.
Ao nông mà chẳng thấy bờ
Chị ơi lội đến bao giờ cho qua.?..
Đọc đến đây chúng ta vẫn chưa thấy sự cảm thông, chia sẻ, mà chỉ thấy nỗi đau rung nhức trong từng câu chữ, khiến hình ảnh lầm lũi chịu đựng, cúi đầu nhẫn nại chịu đựng của người chị, sao mà buốt đau trong ngực. Chỉ với hai câu, nỗi đau đã được Nguyễn Lâm Cúc nhân lên gấp bội lần, bởi sự phủ phàng đến tàn nhẫn, đè nặng lên thân phận cuộc đời một người phụ nữ.
Thân làm cây chuối trổ hoa
Cho người đốn gốc rồi ra bẻ buồng
Thơ viết tới đây đã đầm đìa nước mắt. Nước mắt có thể nói là càng lúc càng thấm đẫm trong từng câu từng chữ. Vậy nhưng Nguyễn Lâm Cúc vẫn muốn giải bày cho cụ thể hơn, minh tường hơn, bằng lối kể truyền thống, trong truyền thống loại hình “thơ kể chuyện” Việt Nam. Kể để mà chốt lại, để mà mở ra, để vin vào đó, nương vào đó, gieo một tứ thơ chạnh lòng và nhói lòng, khiến ta phải bàng hoàng trước một sự thật đang riết chặt cuộc đời của biết bao người phụ nữ “lỡ bước sang ngang”:
Quần quật giặt giũ, dọn, đơm
Mờ sương quảy gánh đoan trường mà đi!
Ai người đợi chị tôi về?
Thương đôi guốc mộc chưa hề chạm chân.
Cái hay của hai khổ thơ này là lối dụng từ khá đắt. “Quảy gánh dặm trường”,”thương đôi guốc mộc/ chưa hề chạm chân”. Rõ là hình ảnh thơ phản ánh thân phận một người phụ nữ nông thôn chứ còn gì nữa. Trên trái đất này, người phụ nữ không chỉ gánh nặng nỗi cơ cực trên đôi vai gầy nhỏ bé, mà còn phải oằn lưng gánh nặng nỗi bất công từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Chỉ một ước mơ nhỏ nhoi, là được một lần xỏ chân vào đôi guốc mộc, nhưng ngay cả điều đó cũng không dễ gì. Để đến nỗi, cuối cùng Nguyễn Lâm Cúc đã phải dựng lên một hình tượng thơ, run rẩy đến bàng hoàng trước mắt ta:
Hai tay xơ xác phong trần
Đưa ra năm ngón khô dần cả năm.

MƯA RIÊNG
Trời riêng một khúc đổ mưa
Bên kia nắng, bên này vừa hanh hanh
Thì thôi em ướt cũng đành
Trách người nỡ tiếc một manh áo choàng.
Bàn luận:
Lục bát là thể thơ xưa
Vào tay Lâm Cúc đẩy đưa – mới liền
Trời hành chi, mưa liên miên
Trách người hẹp bụng làm phiền đến thân
Đọc xong tự thấy tần ngần
Thôi thì thôi cũng một lần ấy thôi.
HTT
SỢI KHÓI QUÊ
Nhớ chiều nhóm bếp nghe em
Để anh nhìn ngọn khói lên anh về
Ngả nghiêng giữa chốn hội hè
Mong manh níu sợi khói quê làm người.
Bàn luận:
Khói lên thành nỗi nhớ ai
Khen Nguyễn Lâm Cúc có bài thơ hay
Ngả nghiêng đến nỗi thế này
Bốn câu níu lại một ngày nhớ anh
Dẫu nhà quê, dẫu thị thành
Yêu nhau thì sợi chỉ mành cũng se.
HTT
TIẾC CÂY NGÔ ĐỒNG
Chen nhau xuống phố kiếm tiền
Ngày đi hối hả bỏ quên luống cày
Phố phường mưa bạc, gió day
Người về ngó ruộng tiếc cây ngô đồng.
Bàn luận:
Người ta ra phố kiếm tiền
Tôi nay ra ruộng kiếm tiên nâu sồng
Nhưng mà chỉ gặp ngô đồng
Còn ai gánh nước mà trông nữa nào?
HTT BÂNG KHUÂNG
Người đi người đứng trông theo
cách nhau chỉ một chữ yêu ngập ngừng
nửa muốn nói, nửa bảo đừng
bâng khuâng nghiêng cả một vùng ước mơ.
Bàn luận:
Hai câu thơ cuối rất hay
Một vùng thương nhớ dứt day cõi lòng
Bâng khuâng quá, nỗi đèo bòng
Tương tư đến độ long đong dặm trường
Nửa thì muồn nói rằng thương
Nửa thì lại sợ giữa đường đứt dây
Xưa nay góc bể chân mây
Xa nhau thì khó sum vầy người ơi.
Trong bài viết về “ca dao buồn”, HTT có nói về sự bất công mà người phụ nữ từng phải truyền đời chịu đựng, nay HTT muốn nói thêm với Lâm Cúc về điều đó.
Thực ra trong quá khứ lịch sử, dân tộc ta không hề có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng ấy trở thành ý thức hệ trong xã hội Trung Quốc phong kiến, dẫn đến họa thiếu phụ nữ trầm trọng ngày nay. Khi tìm hiểu nghiên cứu về tôn giáo, HTT giật mình nhận ra, hình như nước ta là một quốc gia không có đạo. Đạo Phật đến từ phương Đông, đạo Thiên Chúa đến từ phương Tây. Mãi sau này, ở miền Nam mới xuất hiện hai dòng đạo Việt là Cao Đài và Hòa Hảo. Một dân tộc bản lĩnh nhương ấy, một dân tộc tự cường nhường ấy, chẳng lẽ suốt bốn ngàn năm lập nước và dựng nước lại không có chính đạo để hướng cõi tâm linh?!
Tìm kiếm trong lịch sử, HTT nhận ra nước ta có bốn vị thánh bất hủ, là Thần Tản Viên, Đinh Tiên Hoàng, Chữ Đồng Tử và bà Chúa Liễu Hạnh. Trong đó, dường như sự có mặt của Bà Chúa Liễu là ở khắp nơi.
Nước ta từ xa xưa đã có tục tôn thờ chữ “Cái” (Mẹ). Sông Cái, đường Cái. Vị thế của người Mẹ được tôn vinh rất cao. Nếu không có những cuộc xâm lược của người Trung Hoa, sự áp đặt văn hóa Trung Hoa, chắc chắn chúng ta không bị nhiễm (phần nào) ý thức hệ phong kiến theo kiểu Trung Quốc phong kiến. Và như vậy, chắc chắn đạo chính thống của nước ta phải là đạo Mẹ (Mẫu đạo). Nói tới Trời là đấng quyền lực vô song, chúng ta có Mẹ Trời. Rồi thì Mẹ Đất, Mẹ Núi, Mẹ Sông, Mẹ biển… Mẹ Việt là thần thái của dân tộc này, bản lĩnh của dân tộc này, văn hóa đỉnh cao của dân tộc này.
HTT đã đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Bà ở núi Bà Đen- Tây Ninh, chùa bà Chúa xứ ở Châu Đốc, chùa bà Chúa Kho ở Bắc Ninh… rõ ràng vai trò của người phụ nữ trong lịch sử là rất lớn- nếu như không muốn nhắc đến những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trung, Triệu Trình Nương, Bùi Thị Xuân, bà Từ Vũ, bà Thái hậu Dương Vân Nga…
Trong cuộc sống thường nhật, người phụ nữ là điểm tựa hình thành nên sức mạnh cho người đàn ông, bởi vị trí và vai trò của họ thể hiện rất đậm nét trong việc hình thành ý thức hệ gia đình và làng xã.
Anh đi theo Chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già
Trên tinh thần đề cao vai trò người phụ nữ- người Mẹ- dân gian thậm chí còn hạ bệ cả vua chúa.
Một nhà sinh được ba vua
Vua sống, vua chết, vua thua chạy dài
Như vậy đấy! Nguyễn Lâm Cúc ơi!
HTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét